Game Việt có cơ hội trở thành ngành xuất khẩu giá trị cao

HOÀNG MINH NGỌC (Đại học RMIT Việt Nam) 01/11/2023 10:21

Game là một trong những ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo mà Việt Nam có thể cạnh tranh ở quy mô toàn cầu.

>>Nhiều kỳ vọng từ ngành công nghiệp game Việt Nam

Diễn đàn Quốc gia ngành Game Việt năm 2023 diễn ra ngày 31/10/2023 nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) kết hợp Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

Sự kiện thu hút hàng trăm doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước, cùng sự tham gia của nhiều chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu - trường đại học, mạng lưới chuyên gia - trí thức, quỹ đầu tư, các tổ chức tư vấn, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Sự kiện quy tụ lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Việt Nam và đại sứ quán các quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển cùng các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu đến từ những doanh nghiệp lớn trên thế giới và những nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái game tại Việt Nam như Google, BITKRAFT, Garena, Virtuos, Appota, GIANTY, Wolffun Games, VNG, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT),...

Hơn 500 nhà phát triển game cũng như nhiều quỹ đầu tư trong lĩnh vực game đã trực tiếp tham dự sự kiện và góp mặt tại các hoạt động kết nối, trao đổi và mở rộng các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, đầu tư cho ngành game tại Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng nhằm xúc tiến hợp tác và tạo ra cơ hội đầu tư, kinh doanh trong ngành công nghiệp Game Việt Nam.

Chủ đề của của Diễn đàn Quốc gia ngành Game Việt năm nay là “Khai mở tiềm năng - Nâng tầm hệ sinh thái phát triển game tại Việt Nam”. Với vai trò là cơ quan thúc đẩy về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, NIC nhận định Game là một trong những ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo mà Việt Nam có thể cạnh tranh ở quy mô toàn cầu và đã đưa Game trở thành 1 trong những ngành trọng tâm hỗ trợ phát triển.

>>Tiềm năng của ngành game Việt

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 đã xác định phát triển nhanh và bền vững dựa trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập để hỗ trợ hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, với tầm nhìn và trở thành hạt nhân trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới và hướng tới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. “Chúng tôi xác định chuyển đổi số và ngành công nghiệp game là 1 trong 8 lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp Việt Nam có những bước phát triển đột phá, góp phần vào mô hình đổi mới sáng tạo”. - Ông Huy nói.

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Theo ông Huy, 10 năm qua, ngành công nghiệp game có những bước tiến vượt bậc. Điều này được thể hiện qua những con số. Doanh thu ngành game Việt Nam đã vượt 500M USD và đứng thứ 5 tại ĐNA. Hơn ½ dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với ngành game. Hệ sinh thái game Việt cũng từng bước có tên tuổi dẫn đầu như: VNG, Amanotes, VTC.

Trong đó có những tên tuổi tầm cỡ quốc tế như Amanotes… Ngành game chúng ta tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế cao, cạnh tranh trên toàn cầu, đặc biệt cho mảng lập trình game, thiết kế game, đồ họa game. “Với những cột mốc phát triển quan trọng, ngành game có cơ hội trở thành 1 ngành xuất khẩu có giá trị cao, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo của khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”. – ông Huy nói.

Với dư địa phát triển trong 10 năm qua, ngành game Việt tuy có vài doanh nghiệp game phát triển nhanh nhưng toàn ngành vẫn còn có nhiều hạn chế. Theo đánh giá của ông Huy, Việt Nam chưa hình thành hệ sinh thái game thực sự, các công ty chưa tận dụng lợi thế hợp tác cùng nhau, các kỹ sư công nghệ giỏi làm game còn thiếu kinh nghiệm, chưa tiếp cận đông đảo người dùng. Các công ty phát hành chưa tìm được game Việt chất lương. Nếu đánh giá chất lượng sản phẩm trên nhiều tiêu chí, chúng ta còn khoảng cách xa so với nhóm hàng đầu thế giới.

Để ngành game Việt thực sự trở thành ngành công nghiệp giá trị cao và có sức canh tranh, tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế lớn, ông Huy cho rằng cần phải xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng quốc tế và hệ sinh thái đa dạng, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. “Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp có thể đưa ra giải pháp thiết thực, kết nối các nguồn lực để thu hút các studio game và nhân tài quốc tế, hiện thực hóa việc phát triển game toàn cầu. Đây là điểm khởi đầu để chúng ta xây dựng 1 khối liên kết mạnh mẽ, bền vững cho lĩnh vực này tại Việt Nam, cùng phát triển nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao, góp phần vào chuỗi giá trị cung ứng giàu tiềm năng của ngành trên toàn thế giới”. – ông Huy nói.

Ngành nghề của hiện tại và tương lai

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến tại VNG cho biết, doanh thu ngành game và số người chơi game tại Việt Nam từ 2017 đến 2022 tăng dần đều qua các năm. Đây là ngành hiếm hoi vẫn giữ được sự tăng trưởng dù trong giai đoạn dịch bệnh. Báo cáo ngành game Đông Nam Á 2021 của Hiệp hội kinh tế số Malaysia MDEC cho thấy, 57% nhân sự ngành game có bằng cao đẳng, đại học trở lên; tăng gần 10% so với năm 2015. Riêng tại Việt Nam, số lượng nhân sự trong ngành game tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ 2015 đến nay. 

ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến tại VNG

Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến tại VNG

Ngoài ra, ngành game cũng có những gắn bó mật thiết với các ngành nghề khác trong lĩnh vực cntt như phần cứng, di động, mạng. Game và thương mại điện tử là 2 lĩnh vực giúp cho thanh toán không dùng tiền mặt trở nên bùng nổ ở APAC cũng như toàn thế giới,...

Báo cáo về nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á năm 2022 của Google Temasek về tăng trưởng nền kinh tế số tại ĐNÁ cho thấy Việt Nam nằm trong Top 3 nước nhận đầu tư tư nhân nhiều nhất khu vực này. Một nhánh lớn trong các trò chơi điện tử hiện nay được tách ra trở thành thể thao điện tử - esport, loại hình này ngày càng được phổ biến và công nhận rộng rãi, được đưa vào thi đấu tranh huy chương tại các đấu trường thể thao quốc tế như Seagmes, Asian games và tiến tới là Olympic, khi gần đây Ủy ban Olympic quốc tế đã công bố kế hoạch tổ chức Thế vận hội thể thao điện tử, năm 2024 thì Ả rập Xê út sẽ tổ chức World Cup thể thao điện tử lần đầu tiên. 

“Với những thông tin, số liệu trên, chúng ta có thể thấy một sự thật khách quan: ngành game là một ngành sáng tạo nội dung trên môi trường số, nó đã, đang và tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Bản thân ngành game là một hệ sinh thái và cũng gắn kết mật thiết, thúc đẩy với các ngành nghề khác cùng phát triển. Nó là một ngành nghề của hiện tại và tương lai”. – ông Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ về chuỗi giá trị ngành game và ứng dụng cho Việt Nam, ông Lã Xuân Thắng cho biết, chuỗi này gồm 3 nhóm chính: Nhóm 1 là Các nhà phát triển, bao gồm các IPs’ holders; Nhóm 2 là Các nền tảng; Nhóm 3 là Các nhà phát hành. 

Theo Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến tại VNG, trong chuỗi giá trị này, nhóm 1 luôn là nhóm có nhiều lợi ích nhất - tương ứng với sự đầu tư về chất xám, sự sáng tạo mà họ tạo ra với mỗi tựa game. Một sản phẩm thành công sẽ góp phần làm dày thêm lượng fan của IPs’ holders, khiến IP đó càng trở nên giá trị hơn.

Lấy ví dụ một IP lớn kèm theo các giá trị tăng thêm từ IP đó thông qua merchandise, concert, film,..., ông Thắng cho rằng, các nền tảng (platform) đóng vai trò là trung gian, phân phối sản phẩm đến tay người dùng cuối, ví dụ như appstore và google play. Cuối cùng là các nhà phát hành giúp bản địa hóa các tựa game ở từng khu vực, nâng cấp trải nghiệm của người chơi, kết nối nhà phát triển với người dùng, xây dựng và phát triển cộng đồng người chơi. 

Ông Thắng đưa ra lời khuyên, với các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta nên tập trung vào Nhóm 1 (phát triển sản phẩm và tiến đến xây dựng các IP riêng) và Nhóm 3 (phát hành sản phẩm, từng bước từ Việt Nam tới Đông Nam Á rồi toàn cầu, dựa trên năng lực sáng tạo và bản địa hoá sâu sắc). Nhóm 2 là phần tương đối khó khăn vì nó là cuộc chơi của những công nghệ nền tảng và tài chính. Bởi theo ông Thắng, bởi chúng ta đang sở hữu những lợi thế về hạ tầng phân phối, về nhân lực, về sức tiêu thụ của thị trường nội địa và khả năng kết nối với các doanh nghiệp ở các ngành công nghiệp khác. 

"Với ở mảng phát hành, VNG hợp tác sâu sát với các nhà phát triển game rất lớn trên thế giới để bản địa hóa nội dung đưa về Việt Nam. Ở mảng phát triển, chúng tôi hiểu cái khó của thị trường trong nước là nhân lực đủ trình độ, nên đã không ngừng đầu tư, đào tạo, hiện VNGGames có 11 văn phòng với hơn 1300 nhân sự đang làm việc. Chúng tôi cũng tập trung phát triển các global IP, với mục tiêu gia tăng doanh thu tại thị trường nước ngoài". - ông Thắng thông tin.

Mặc dù các doanh nghiệp, các studios game Việt Nam đã có nhiều thành công nhưng theo ông Thắng còn tương đối tự phát. "Nó chứng tỏ tiềm năng của các doanh nghiệp là rất rõ ràng. Trước câu hỏi là cộng đồng các nhà phát triển và kinh doanh game ở Việt Nam cần gì để ngành này có thể phát triển mạnh mẽ, các câu trả lời đương nhiên sẽ là các chính sách đồng bộ hỗ trợ về tài chính, các ưu đãi, chương trình giáo dục và đào tạo bài bản... Đây đều là những điều kiện cần thiết để ngành game phát huy hết tiềm năng, nhưng theo tôi vẫn chưa phải là điều kiện đủ". - ông Thắng chia sẻ. 

Nhìn rộng hơn trong khu vực Đông Nam Á, có thể thấy những quốc gia top đầu về ngành này như Singapore, Malaysia, Thái Lan đều có điểm chung là xã hội nước họ nhìn nhận game là một ngành nghề đúng nghĩa. Ví dụ như Singapore họ gắn ngành game với ngành du lịch, Hiệp hội game Singapore được 3 cơ quan chính phủ hậu thuẫn là Tổng cục du lịch, Cơ quan Phát triển Truyền thông và Cục Doanh nghiệp Singapore. Indonesia thì sử dụng 1 phần thuế VAT thu từ game để tái đầu tư cho ngành này và cho phép các studio game nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.

"Rõ ràng, những ví dụ trên cho thấy sự công nhận một cách chính thức cho ngành game, coi game là một ngành kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế số là điều rất cần thiết để có chiến lược quản lý và lộ trình phát triển phù hợp. Tôi nghĩ chắc tất cả mọi người ở đây đều cảm nhận giống tôi, là năm 2023 đã ghi nhận sự thay đổi của đáng chú ý về ngành, như sự kiện Ngày hội game chính thống đầu tiên ở VN được tổ chức hồi tháng 4 do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động, và Game còn là một trọng tâm quan trọng được đưa vào chương trình của Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì. Tôi coi đó là những ví dụ rất điển hình cho sự công nhận, đồng hành của Bộ ban ngành đối với một ngành kinh tế tuy non trẻ nhưng rất giàu tiềm năng này". - ông Thắng thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều kỳ vọng từ ngành công nghiệp game Việt Nam

    03:45, 14/08/2023

  • Tiềm năng của ngành game Việt

    10:40, 01/04/2023

  • Giải bài toán nhân lực để game Việt vươn tầm quốc tế

    03:59, 26/06/2022

  • Tương lai cho game Việt

    04:03, 31/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Game Việt có cơ hội trở thành ngành xuất khẩu giá trị cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO