Để “vực dậy” kinh tế khu vực, các địa phương, doanh nghiệp tại miền Trung cần liên kết, phối hợp với nhau để hình thành chuỗi sản xuất, thu hút đầu tư.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) gồm 5 tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định và là 1 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Trong những năm qua, vùng KTTĐMT đã đạt được những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn được duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm). Giai đoạn 2011-2019 có sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể so với thời kỳ trước (8,14%), song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm).
Mặc dù Vùng KTTĐMT duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, tuy nhiên quy mô nền kinh tế vùng còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2001, quy mô GRDP toàn Vùng chỉ chiếm khoảng 5% GDP cả nước, đến năm 2019 cũng chỉ chiếm 7,09%.
Các “điểm nghẽn” cụ thể được chỉ ra bao gồm thỏa thuận, liên kết trong Vùng còn mang tính hình thức, hành chính, nặng về quyết tâm chính trị, chưa có sự phối hợp thực chất, việc khai cụ thể chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch còn yếu và thiếu hiệu quả, các địa phương ít quan tâm đến bản quy hoạch của địa phương khác và cũng e ngại động chạm tới lợi ích của nhau nên các góp ý không mang tính thực chất, trừ khi có sự đụng chạm trực tiếp tới lợi ích của địa phương mình.
Cùng với đó, kết nối về đầu tư còn rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất, nhất là trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. Phát triển kinh tế - xã hội của vùng vẫn chủ yếu do các địa phương tự làm, chưa có tính chất liên vùng để đẩy mạnh sự phát triển tương hỗ giữa các thành viên. Việc tiến hành kêu gọi đầu tư còn thiếu đồng bộ, dàn hàng ngang, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương.
Ngoài ra, “điểm nghẽn” còn xuất phát từ liên kết trong phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng chưa cao. Đối với hệ thống cảng biển, mỗi tỉnh đều muốn phát triển tối đa cảng của mình. Vùng có hệ thống cảng biển nhiều nhất nước nhưng lượng hàng thông qua các cảng còn hạn chế, chủ yếu hoạt động dưới dạng gom hàng, sau đó chuyển đến các cảng lớn ở Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh để xuất đi các nước. Do chưa có một “nhạc trưởng” điều tiết, quy hoạch, nên việc đầu tư xây cảng biển ở miền Trung thiếu trọng tâm, hiệu quả kinh tế không cao, khiến nhiều cảng chỉ hoạt động 20% - 30% công suất.
Cùng với đó, kết nối về đào tạo và sử dụng lao động chưa có trọng tâm, chưa đáp ứng quy mô của vùng. Ngành nghề đào tạo còn chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc có tay nghề thấp còn lớn.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đề xuất phương án phân lại, mở rộng Vùng KTTĐMT theo hướng bổ sung thêm một số tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm lực kinh tế mạnh. Cùng với đó, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Vùng KTTĐMT và thể chế hoá cơ chế liên kết Vùng theo hướng liên kết về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, phát triển công - nông nghiệp - dịch vụ, nguồn nhân lực, khoa học – công nghệ,...
Song song với đó, xây dựng, hoàn thiện cơ chế đặc thù nhằm tạo nguồn thu để lại cho ngân sách địa phương, tỷ lệ điều tiết về Trung ương và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, thí điểm hình thức thu hút đầu tư, kinh doanh mới, tiếp tục tạo cơ chế và môi trường hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, quốc tế.
TS. Cấn Văn Lực cũng đề xuất xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và gắn kết liên vùng như đồng bộ hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa, phát triển hệ thống logistics,... Đa dạng các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế Vùng và tạo đột phá về thu hút nhân lực chất lượng; cải cách thủ tục hành chính của mỗi địa phương, kết hợp với hoàn thiện cơ chế điều phối Vùng hiệu quả.
Ở vai trò kết nối, VCCI Đà Nẵng đã triển khai khảo sát, xây dựng báo cáo DDCI cho 7 trên 11 tỉnh thành khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, với tần suất trung bình từ 3 đến 4 địa phương trên một năm. Bên cạnh đó, theo đề nghị của các địa phương tại khu vực, VCCI Đà Nẵng đã triển khai các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số PCI, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ở cấp địa phương và các khuyến nghị các giải pháp cải thiện.
Đồng thời, VCCI Đà Nẵng cũng triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc thành lập mạng lưới tư vấn hỗ trợ pháp luật trong nước và nhóm tư vấn về hội nhập tư vấn về các FTAs, hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp.