Gắn kết sản phẩm làng nghề truyền thống với du lịch là định hướng phát triển của Câu lạc bộ sản phẩm đặc trưng khu vực ĐBSCL (MekongSP Club) trong năm 2019.
Theo ông Đoàn Hữu Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH tư vấn Việt Nam (VCG), thành viên Ban cố vấn MekongSP Club: Thế giới đã chú ý đến tầm quan trọng của kinh tế tài nguyên bản địa, đây cũng là một xu hướng phát triển nhân văn và bền vững vì tôn trọng những đặc trưng tự nhiên, văn hóa riêng biệt, “Tính bản địa” là một trong bảy từ khóa quan trọng nhất đối với người tiêu dùng thế kỷ 21. Đối với lĩnh vực du lịch yếu tố “phi vật thể” không những làm tăng sự thích thú tìm hiểu, khám phá của du khách, qua đó góp phần tăng giá trị “vật thể” của sản phẩm.
Nói một cách dễ hiểu là bất kỳ du khách nào cũng mong muốn được khám phá những điều mình chưa biết và tìm hiểu về văn hóa, di tích lịch sử, phong tục, tập quán, sản phẩm đặc trưng tại nơi đến, do đó việc gắn kết sản phẩm làng nghề với du lịch là điều không thể thiếu. Sản phẩm nào có tính riêng biệt càng cao, thì cơ hội phát triển càng lớn. Mỗi năm khu vực ĐBSCL đón trên 30.000 lượt du khách, đây là nguồn khách hàng tiềm năng mà thời gian qua các làng nghề truyền thống chưa thật sự chú ý đến đối tượng này. Để có thể phát huy kênh bán hàng cho khách du lịch thì các cơ sở sản xuất phải chủ động liên kết với các công ty lữ hành để lên chương trình tiếp thị cho điểm đến; quảng bá truyền thông qua “Thổ địa”; tiếp thị bằng “chương trình dẫn dắt”; xây dựng kênh “tương tác” như qua Facebook, Youtube; ứng dụng công nghệ di động; tham vấn công ty du lịch quốc tế…
MekongSP Club do VCCI Cần Thơ vận động thành lập vào năm 2014 nhằm tạo điều kiện giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp kết nối, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giao thương và mở rộng kênh bán hàng. Ngoài ra, tham gia vào MekongSP Club, nhân viên của doanh nghiệp sẽ được đào tào, huấn luyện cách nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, kỹ năng bán hàng.
Câu lạc bộ có 60 doanh nghiệp tham gia làm hội viên chính thức với 3 nhóm ngành hàng chủ lực là: Thủ công mỹ nghệ như gốm sứ, đan, thêu, vải lụa, chiếu, đan lát, lục bình, tranh gạo; thực phẩm như các loại bánh dân gian, thực phẩm chế biến, gia vị nấu ăn, rượu cổ truyền, nước giải khát... và sản phẩm mang tính tự nhiên như gạo thơm, các loại trái cây, tiêu, ca cao, rau củ quả...
Năm 2018, MekongSP Club đã hỗ trợ cho 3 doanh nghiệp thực hiện các bước xây dựng thương hiệu mở rộng kênh tiêu thụ; xây dựng điểm trưng bày và bán hàng sản phẩm của CLB; chia sẻ thông tin thị trường thông qua mỗi kỳ họp mặt hội viên; Cải thiện hình thức liên lạc qua email, facebook, zalo thay cho phương thức liên lạc văn thư truyền thống và nhiều hoạt động hỗ trợ khác cho hội viên.
Dịp này Ban chủ nhiệm câu lạc bộ cũng đã vinh danh các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề có sản phẩm tiêu biểu trong năm 2018 và trao chứng nhận hội viên cho các đơn vị vừa được kết nạp vào câu lạc bộ.