"Gắn mô tơ" cho Tre Việt Nam

Ngọc Thái 26/05/2018 11:04

Với nguồn nguyên liệu phong phú, địa chất đa dạng có sẵn trong tự nhiên là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bền vững chuỗi các giá trị về sản phẩm tre.

Thế nhưng, để sản phẩm này được vươn xa, cho hiệu quả kinh tế cao thì doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này cần được tháo gỡ hơn nữa. Đây cũng là những nội dung được các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo khởi động dự án “Phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị Tre tại Việt Nam” vừa diễn ra tại tỉnh Nghệ An.

Tiềm năng dồi dào

 Theo thống kê của Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam thì hiện nay cả nước có khoảng 1,4 triệu ha tre nứa, chiếm 10,5% tổng diện tích rừng cả nước với trữ lượng khoảng 7,5 tỷ cây.

Thực tế trong thời gian qua, cây tre đã gắn với nhiều làng nghề truyền thống và ngành công nghiệp mang tính chiến lược trên địa bàn cả nước. Qua thống kê thì hiện nay cả nước có trên 723 làng nghề sản xuất liên quan đến các sản phẩm từ cây tre, tạo công ăn việc làm cho hơn nửa triệu lao động. Sản phẩm từ tre đã được các doanh nghiệp đầu tư về quy mô, mẫu mã sản phẩm để đưa ra thị trường trong và ngoài nước. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu đối với các sản phẩm từ tre sẽ đạt khoảng 350 triệu USD/năm.

Đại diện chuyên gia, doanh nghiệp và người dân trao đổi về việc phát triển bền vững chuỗi giá trị cây tre Việt Nam

Đại diện chuyên gia, doanh nghiệp và người dân trao đổi về việc phát triển bền vững chuỗi giá trị cây tre Việt Nam

Sản phẩm từ cây tre Việt Nam cũng đã có mặt tại 120 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới, nhất là các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Ngoài việc tạo “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường, cây tre Việt Nam còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian qua, nhà nước đã ban hành một số chính sách có liên quan đến phát triển cây tre như Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg ngày 18/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre đan.

Thế nhưng, ngành sản xuất sản phẩm từ cây tre của Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách thức như: Rào cản kỹ thuật, phương thức kinh doanh tập thể, hiệu quả kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường, tài chính và quản trị trong chuỗi giá trị của người sản xuất quy mô nhỏ. Đặc biệt,các doanh nghiệp chế biến cũng như kinh doanh quy mô vừa và nhỏ vẫn còn loay hoay tìm nguồn vốn lẫn đầu ra cho sản phẩm của mình.

Tre Việt sẽ được chấp cánh

Trước những tiềm năng về nguồn nguyên liệu phong phú, Liên minh Châu Âu, trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp triển khai dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre ở Việt Nam’ tại 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá do Oxfam quản lý và phối hợp thực hiện.

Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thì “Thu nhập của những người sản xuất quy mô nhỏ sẽ được cải thiện khi sản phẩm của họ đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và sản xuất bền vững. Ngoài ra, năng lực đàm phán của họ với các công ty chế biến và thương mại được nâng cao, từ đó tiếp cận hiệu quả hơn tới thị trường trong nước cũng như quốc tế”.

 Cũng theo đại diện Oxfam thì song song với việc hỗ trợ cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả trong chế biến, kinh doanh, dự án “Phát triển bền vững và toàn diễn chuỗi giá trị tre tại Việt Nam”  sẽ tập trung xây dựng năng lực của các hộ sản xuất quy mô nhỏ, hỗ trợ kỹ thuật các doanh nghiệp đầu ngành liên quan đến lĩnh vực này đạt tiêu chuẩn FSC.

Để sản phẩm từ cây tre Việt Nam có mặt tại các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới thì cần quan tâm đến thị trường và kỹ thuật hơn nữa

Để sản phẩm từ cây tre Việt Nam có mặt tại các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới thì cần quan tâm đến thị trường và kỹ thuật hơn nữa

Nếu đạt được tiêu chuẩn FSC thì sản phẩm từ tre của Việt Nam sẽ tiếp cận được thị trường Châu Âu.

Còn TS Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ khẳng định: “Muốn nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh trạnh của sản phẩm từ tre nứa, chúng ta phải tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn bền vững trong chuỗi sản xuất các sản phẩm này. Các thị trường quốc tế đòi hỏi cao về vấn đề này nên nếu chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì sẽ là cơ hội lớn cho cây tre Việt Nam”.

Chính vì vậy, ngoài việc phát triển bền vững các giá trị về tre thì dự án này còn góp phần thúc đẩy môi trường chính sách thuận lợi, nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi giá trị. Các liên minh công – tư bao gồm chính quyền địa phương, các tổ chức dịch vụ công, tổ chức tài chính, doanh nghiệp đầu ngành, các tổ chức chính trị xã hội và đối tác sẽ được thành lập tại các tỉnh để thực hiện dự án nói trên.

Đại diện các tổ chức thực hiện dự án ký cam kết hợp tác

Đại diện các tổ chức thực hiện dự án ký cam kết hợp tác

Từ nay đến năm 2022, Việt Nam sẽ được liên minh Châu Âu (EU), Oxfam và đối tác đồng tài trợ 4,3 triệu Euro (khoảng gần 100 tỷ VND) tài trợ để phát triển bền vững chuỗi các giá trị nghêu, tre trên địa bàn cả nước. Dự án cũng sẽ  mang lại lợi ích cho 150 nhóm sản xuất với 35.000 thành viên và 60 doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Gắn mô tơ" cho Tre Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO