Mức lương tối thiểu vùng được tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2022 là áp lực khiến doanh nghiệp sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh trong khi chỉ còn nửa tháng nữa là quy định có hiệu lực.
>>>Thời điểm nào nên điều chỉnh lương tối thiểu?
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, mức lương tối thiểu vùng được tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2022, dẫn đến doanh nghiệp sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh để phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải tăng lương cho người lao động đang nhận lương tối thiểu vùng. Cụ thể, từ ngày 1/7, khi lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp cũng phải tăng lương cho những người lao động đang nhận lương theo lương tối thiểu vùng. Mức lương sau khi tăng không được thấp hơn mức lương quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, cụ thể vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể phải tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết ủng hộ việc tăng lương tối thiểu vùng sau 2 năm trì hoãn do đại dịch mà không điều chỉnh. Phần lớn doanh nghiệp cũng cho biết đều đã trả mức lương trên mức lương tối thiểu vùng, thậm chí gấp đôi và đang hỗ trợ thêm cho người lao động trước những tác động của dịch COVID-19. Nhưng việc tăng lương này sẽ là động thái khiến họ sẽ phải tính toán tăng lương tiếp.
Đáng nói, điều doanh nghiệp lo lắng hơn là câu chuyện tăng lương tối thiểu đi kèm với tăng chi phí đóng bảo hiểm. Đơn cử, đối với các đơn vị quy mô vài ngàn công nhân sẽ tốn thêm vài tỉ đồng cho các khoản phí, bảo hiểm. Đối với các công ty có vài chục ngàn lao động thì tốn thêm vài chục tỉ đồng mỗi năm.
>>>Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng: (Bài 5) Tăng lương gấp gáp gây "sốc" cho doanh nghiệp
>>>Tăng lương tối thiểu: Trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2022, dẫn đến tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng có sự điều chỉnh. Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Nếu doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 1/7/2022, số tiền hằng tháng mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc nói trên sẽ tăng thêm so với trước.
Cùng với đó là áp lực từ tăng mức đóng kinh phí công đoàn. Bởi mức đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp được xác định theo công thức sau: Mức đóng = 2% x Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Trong đó, quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, khi mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của doanh nghiệp tăng, thì tiền nộp kinh phí công đoàn của doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo. Theo đó, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể làm tăng số tiền đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc tác động tới doanh nghiệp, một số ý kiến cũng lo ngại hệ quả của tăng lương là giá cả nhiều mặt hàng tăng theo. Nói như Phó Bí thư Tỉnh Đồng Nai ông Quản Minh Cường, nói đến việc tăng lương, nhiều người lao động rất mừng. Tuy nhiên, họ cũng lo lắng về vấn đề giá cả ngày càng tăng cao. Bởi, chưa tăng lương thì giá đã tăng và không cần tăng lương thì giá cũng tăng.
“Do vậy, ngoài việc tăng lương, Chính phủ cần có những chính sách xã hội khác để thu nhập của người lao động đảm bảo cuộc sống, tái tạo sức lao động và cống hiến cho đất nước. Ngoài ra, coi trọng những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối nền kinh tế và đảm bảo mức lương phù hợp với người lao động”, ông Quản Minh Cường lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
09:35, 12/06/2022
02:05, 25/04/2022
10:15, 24/04/2022