Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), giá trị xuất khẩu viên nén tháng 11/2023 chỉ đạt 58 triệu USD, lũy kế 11 tháng đạt 597 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.
>>>“Cơn bĩ cực” viên nén gỗ Tây Nguyên
Sau thời gian “sốt” năm 2022, xuất khẩu viên nén đã hạ nhiệt trong năm nay, giá trị xuất khẩu viên nén tromg 11 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 597 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là tại thị trường Hàn Quốc. Nếu đà xuất khẩu như hiện nay được duy trì, quy mô xuất khẩu năm 2023 sẽ tụt khoảng 15-17% so với năm ngoái.
Hiện, Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường quan trọng nhất của viên nén Việt Nam. Lượng xuất khẩu vào 2 thị trường này chiếm trên 95% trong tổng lượng viên nén xuất khẩu của cả nước.
Cụ thể, 3 quý đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản đạt 2 triệu tấn, tương đương gần 82% lượng xuất khẩu vào thị trường này năm 2022. Đáng chú ý, Nhật Bản đang yêu cầu viên nén nhập khẩu vào thị trường này phải có chứng chỉ bền vững FSC. Bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn viên nén sang thị trường này. Để đáp ứng được số lượng này, các doanh nghiệp cần khoảng 6 triệu m3 gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ.
Trong khi đó, lượng viên nén xuất khẩu vào Hàn Quốc cũng trong 3 quý chỉ đạt gần 1,3 triệu tấn, tương đương 56% lượng xuất vào thị trường này trong cả năm 2022.
Lượng viên nén của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc giảm không phải là giảm cầu tại thị trường này mà do các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu viên nén từ các nguồn cung khác, bao gồm cả nguồn cung từ Nga.
“Tại thị trường Hàn Quốc, dư địa phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai không nhiều. Hiện một số doanh nghiệp của Hàn Quốc, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, vẫn tiếp tục mua nguồn viên nén từ Nga. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới còn sử dụng nguồn cung từ Nga”, TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp Forest Trend nhận định.
Một số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang xuất khẩu viên nén vào Hàn Quốc, cho biết các nhà mua lớn của Hàn Quốc đang bắt đầu đòi hỏi các bằng chứng về truy xuất nguồn gốc. Theo đánh giá của các doanh nghiệp này, trong 4 - 5 năm tới, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ là bắt buộc đối với các sản phẩm xuất khẩu vào Hàn Quốc.
>>>Nghịch lý thị trường viên nén gỗ
Dù Chính phủ Việt Nam có những quy định cụ thể về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc chuỗi cung. Tuy nhiên, do tính đặc thù của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén là các phụ phẩm của ngành chế biến gỗ, tuân thủ các quy định trong thực tế đối với sản phẩm viên nén là rất khó khăn.
Cụ thể, nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất viên nén hiện là các phần phụ phẩm của ngành chế biến gỗ và của nguồn gỗ rừng trồng. Do là phụ phẩm, phần nguyên liệu này thường không được đánh giá cao về giá trị kinh tế. Tại một số địa phương nơi chưa có sự hiện diện của cơ sở sản xuất viên nén, phần phụ phẩm này thậm chí đang được đốt bỏ.
Thế nhưng, Forest Trends cho rằng hiện nay ngành viên nén chưa nhận được cơ chế, chính sách nào nhằm thúc đẩy ngành phát triển bền vững. Các doanh nghiệp ngành viên nén xứng đáng để nhận được các cơ chế, chính sách dành riêng. Các cơ chế, chính sách có thể là những hỗ trợ trực tiếp dành cho các doanh nghiệp sản xuất, ví dụ ưu đãi trong tiếp cận vốn, công nghệ, đất đai…
Theo TS Tô Xuân Phúc, một trong những khó khăn lớn nhất của xuất khẩu viên nén là tính chưa bền vững về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào kể cả về lượng và về tiêu chuẩn, chất lượng. Muốn giải quyết các khó khăn này đòi hỏi Chính phủ cần có các cơ chế chính sách hợp lý, đặc biệt là chính sách về cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng.
Mỗi quyết định cấp phép cho các dự án sản xuất viên nén cần dựa trên sự tính toán, đảm bảo công suất chế biến của các doanh nghiệp sử dụng cùng nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào (nguồn gỗ rừng trồng) không vượt quá khả năng cung nguyên liệu của vùng.
"Quyết định này cũng đòi hỏi những tính toán về mối tương tác và cạnh tranh giữa các hợp phần chế biến của các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng – bao gồm các cơ sở chế biến đồ gỗ, ván bóc, ván ép, dăm, viên nén… Điều này sẽ góp phần làm cho các doanh nghiệp trong ngành viên nén (và trong các hợp phần khác của ngành gỗ) phát triển bền vững hơn”, TS Phúc nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
15:07, 03/10/2023
02:35, 23/09/2023
10:43, 21/09/2023
03:20, 15/09/2023
16:46, 09/08/2023