Năm 2020, thị trường tiền ảo đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ chưa từng có.
Bước sang năm mới, liệu tiền ảo có bước vào một kỷ nguyên mới và Chính phủ Việt Nam cần ứng xử thế nào cho phù hợp với bối cảnh mới?.
Phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tài chính Thế hệ mới FinanceX, xung quanh vấn đề này.
- Bước sang năm mới 2021, liệu tiền ảo có bước sang một kỷ nguyên mới, thưa ông?
Nét đặc sắc của tiền ảo không chỉ là công nghệ đình đám blockchain, mà chính là sự hấp dẫn về tính thanh khoản, sự biến động về giá và thị trường được duy trì liên tục 24/7 đã tạo nên sức bật không giới hạn cho các đồng tiền ảo. Tôi nghĩ rằng, thị trường tiền ảo sẽ ngày một mạnh mẽ hơn theo chiều hướng tích cực, với một số điểm quan trọng như sau:
Thứ nhất, tiền ảo sẽ luôn luôn biến động. Thoạt nghe thì có vẻ bất ngờ, nhưng biên độ dao động cao, tốc độ biến động nhanh lại chính là điểm quan trọng nhất tạo nên sự hấp dẫn của loại tiền này.
Thứ hai, các tổ chức lớn như các Ngân hàng Trung ương các quốc gia, các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Amazon, Alibaba, IBM… sẽ tiếp tục bước chân vào cuộc chơi lớn với việc nắm giữ các công nghệ nền tảng và tạo ra các đồng tiền phục vụ cho hệ sinh thái của họ. Đây sẽ là động lực lớn để thế giới tiền ảo phát triển mạnh mẽ và vững chắc.
Thứ ba, hành lang pháp lý vẫn là dấu hỏi cho nhiều quốc gia nhưng sẽ ngày một chặt chẽ, rõ ràng và có lối đi cụ thể hơn, từ đó các quốc gia sẽ ngày một hiểu, coi trọng và thông qua nhiều hơn các dự luật liên quan đến đồng tiền ảo lưu hành trong nước mình. Đây cũng sẽ là tiền đề để tiền ảo được định hình ngày một chắc chắn hơn trên nền tảng pháp lý được công nhận ở mỗi quốc gia.
Thứ tư, các ứng dụng và xu hướng mới tiếp tục ra đời và ngày càng sôi động. Xu hướng DeFi vào cuối năm 2020 có thể đã đem đến sức bật mạnh chưa từng có cho thị trường tiền ảo toàn cầu. Giới đầu tư tin rằng năm 2021 và các năm tiếp theo, tiền ảo sẽ vươn lên mạnh mẽ cùng các xu hướng mới hơn và hấp dẫn hơn cho giới công nghệ và những nhà đầu tư tài chính.
- Hiện Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể đối với tiền ảo. Theo ông, Chính phủ Việt Nam cần ứng xử thế nào cho phù hợp trong giai đoạn tới?
Nói một cách công bằng thì Việt Nam đã đi khá sớm khi Bộ Tư pháp đã bắt đầu nghiên cứu về pháp lý cho lĩnh vực tiền ảo từ những năm 2015. Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đưa ra một khung pháp lý thực sự rõ ràng đối với tiền ảo và các vấn đề liên quan đến tiền ảo.
Theo ghi nhận từ các tổ chức lớn như Coingecko, Coinmarketcap, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 về tổng lượng giao dịch tiền ảo trên thế giới, chứng tỏ hàng ngày người Việt đã và đang tham gia đầu tư trong lĩnh vực này với số lượng không nhỏ. Tại Việt Nam tồn tại hai loại hình giao dịch tiền ảo, đó là Sàn giao dịch tập trung và Sàn giao dịch ngang hàng P2P, cùng các chợ giao dịch tự phát, nhưng với số lượng không nhỏ lên đến cả trăm nghìn thành viên.
Việc tiền ảo vẫn giao dịch tự phát đã và đang dẫn tới tình trạng thất thu ngân sách, chảy máu ngoại tệ, rửa tiền xuyên biên giới, tiềm ẩn rủi ro cho người tham gia vì không được pháp luật bảo vệ. Theo tôi, Chính phủ Việt Nam cùng các Bộ, ngành liên quan cần gấp rút ban hành khung pháp lý cho tiền ảo.
- Theo ông, làm sao để đưa tiền ảo ứng dụng tích cực trong đời sống mà vẫn đảm bảo được an ninh tiền tệ và các vấn đề an ninh quốc gia ?
Để có thể chính thức đưa tiền ảo được ứng dụng tích cực vào đời sống, đồng thời đảm bảo an ninh tiền tệ và các vấn đề an ninh quốc gia, theo tôi cần gấp rút thực hiện các công việc như sau:
Một là nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nói chung về tiền ảo như cần định nghĩa tiền ảo là gì?, là phương thức thanh toán hay hàng hoá?… để từ đó đặt ra ngành nghề kinh doanh liên quan đến lĩnh vực tài chính. Có như vậy, những người tham gia lĩnh vực này mới được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Hai là cần nhanh chóng ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệp (sandbox) cho fintech, lựa chọn các doanh nghiệp để thí điểm các mô hình kinh doanh, như sàn giao dịch tiền ảo, sản phẩm blockchain sử dụng tiền ảo cho thanh toán, trao đổi hàng hoá… Điều này sẽ tạo sự yên tâm cho người tham gia để tạo ra những phương thức ứng dụng tiền ảo thực sự cho cuộc sống.
Ba là cần kết hợp giữa các tổ chức tài chính như Ngân hàng Nhà nước, các công ty tài chính, kinh doanh vốn, các quỹ đầu tư nhằm xây dựng các quy định chuẩn mực về xác minh danh tính, xác thực giao dịch của các cá nhân, tổ chức liên quan đến giao dịch tiền ảo. Ví dụ KYC cần có quy trình chuẩn và được yêu cầu đồng bộ đến toàn bộ các sàn giao dịch nhằm đảm bảo quyền lợi của chủ sàn cũng như nhà đầu tư, từ đó tạo nên hệ sinh thái công nghệ cho các sản phẩm tiền ảo và blockchain bền vững, lâu dài.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm