Cổ phiếu của Công ty CP Petec Bình Định (UPCoM: GCB) đang có 7 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó 4 phiên tăng trần. Vậy cổ phiếu này đang có gì hấp dẩn?
GCB đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, mỡ phụ, hóa chất, khí đốt, các chế phẩm từ dầu mỏ, kinh doanh xi-măng, vật liệu xây dựng – trang trí nội thất, phân phối hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp…
Năm 2019, GCB ghi nhận doanh thu thuần 675 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước nhưng lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 4,1 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2018.
Đáng chú ý, nợ tài chính của GCB là 26,2 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là vay ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối ở mức 7,1 tỷ đồng, bên cạnh quỹ đầu tư phát triển hơn 17 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 ở mức 103,8 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 73%, chủ yếu là phải thu ngắn hạn gần 60 tỷ đồng và hàng tồn kho hơn 7,7 tỷ đồng. Công ty có hơn 6,7 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Tài sản dài hạn chủ yếu là tài sản cố định hơn 25,1 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này chỉ có vốn điều lệ 40 tỷ đồng với các cổ đông lớn gồm Tổng CTCP Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư PETEC nắm 31,54% vốn, ông Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Phát nắm 12,87% vốn và ông Lương Duy Vân, thành viên HĐQT nắm 6,26% vốn, theo bản cáo bạch năm 2016. Vừa qua, ông Phát và ông Vân đã nâng sở hữu lên lần lượt 16,6% và 8,46% vốn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, HĐQT GCB đã trình cổ đông phương án kinh doanh cho năm 2020. Theo đó, doanh thu bán hàng dự kiến đạt 513,100 tỷ đồng, giảm 24,0% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 20 tỷ đồng, giảm tới 98,6% so với năm 2019.
Lý giải cho kế hoạch trên, HĐQT GCB cho rằng, do tác động của đại dịch COVID-19, hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị tác động, trong đó lĩnh vực thương mại và dịch vụ bị tác động nặng nề. Theo đó, ngay từ tháng 01 năm 2020, khâu vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn và kéo dài cho đến hết tháng 4. Nhu cầu thị trường các ngành hàng Công ty kinh doanh đều sụt giảm, đặc biệt là xăng dầu và lĩnh vực khai thác mặt bằng.
Đối với ngành hàng xăng dầu dưới áp lực nhu cầu tiêu thụ suy giảm do dịch COVID-19, giá xăng dầu giảm nhiều đợt, lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô giao dịch ở mức giá âm. Vì vậy, ngành hàng xăng dầu của Công ty phải chịu tác động từ các đợt giảm giá bán lẻ.
Ban lãnh đạo GCB dự báo, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt và kinh tế nói chung phục hồi trở lại vào quý III năm 2020, thì sản lượng bán ra của toàn Công ty năm 2020 sẽ giảm từ 35- 40% so với cùng kỳ năm trước.
Trên sàn UPCoM, kết phiên giao dịch ngày 13/7, cổ phiếu GCB tăng 4% lên giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng giá thứ 7 liên tiếp của mã này, với 4 phiên tăng trần, ghi nhận mức tăng lũy kế 128%. Tính từ cuối tháng 6, mã cổ phiếu này đã tăng 192%.
Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán cho rằng đây chỉ là mức tăng trong ngắn hạn và cổ phiếu này khó giữ được đà tăng trong thời gian tới, do thanh khoản của cổ phiếu đang rất thấp, khi khối lượng giao dịch chỉ dao động từ 100 – 1.100 đơn vị. Hơn nữa, nhìn vào lịch sử giao dịch của GCB trong vòng 2 tháng qua, cho thấy cổ phiếu này hầu như không có giao dịch, cùng với đó là kết quả kinh doanh không mấy khả quan, khiến các nhà đầu tư chưa thực sự yên tâm với cổ phiếu này.
Có thể bạn quan tâm
11:10, 13/07/2020
05:30, 13/07/2020
18:37, 27/05/2020
14:46, 25/05/2020
00:00, 21/05/2020