Ngày 1/1/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Theo đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với tiền đề của năm 2017, năm 2018 được dự báo rất tích cực. “Tăng trưởng ở ngưỡng 6,5 – 6,7% là hoạt toàn đạt được” - TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ. Tuy nhiên, với 3 yếu tố gồm: FDI bùng nổ, thị trường chứng khoán đi liền với bất động sản “tươi rực” gợi cho vị chuyên gia này về việc “bong bóng” cách đây 10 năm.
“Tâm lý phấn khích khiến cho nguy cơ này có thể xảy ra” - ông Thiên nói. Nhưng ông cũng trấn an khi cho rằng Việt Nam đã có kinh nghiệm từ quá khứ. Do đó, có thể kiềm chế được các yếu tố lạm phát, đầu tư công cũng không bùng nổ dữ dội như trước đây. Bên cạnh đó, bộ máy hành chính đang được điều chỉnh trong đó, chống tham nhũng và dành sự quan tâm đáng kể cho việc tái cơ cấu.
Không phủ nhận những thành tích đã đạt được trong năm 2017, nhưng TS. Trần Đình Thiên tỏ ra trăn trở câu chuyện chất lượng đằng sau các con số kỷ lục. Ví dụ cần bàn kỹ hơn về GDP, về tình trạng xuất nhập khẩu (cơ cấu xuất nhập khẩu, trình độ sản xuất, thu nhập của người lao động),… Bên cạnh đó là chất lượng của việc chuyển đổi cơ cấu, nền tảng của doanh nghiệp tư nhân vẫn còn yếu…
Dù vậy, ông Thiên cũng khẳng định con số GDP đã có nhiều điểm nhấn quan trọng như nỗ lực của Chính phủ đã tạo dựng niềm tin, hiệu ứng tích cực thật sự hay việc khu vực tư nhân đã tự khẳng định được vai trò.
Còn nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ông Võ Trí Thành lại vừa mừng vừa lo. Mừng là kinh tế trong nước sẽ được trợ lực bởi kinh tế thế giới rất nhiều. Tuy nhiên, nỗi lo thì vẫn ngổn ngang. Đơn cử như việc nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực truyền thống như chế biến chế tạo, bất động sản… Các ngành này trong năm mới tuy vẫn phát triển nhưng sẽ không có sự bứt phá như năm 2017.
“Quốc hội thông qua chỉ số GDP năm 2018 là từ 6,5 – 6,7% là rất thận trọng” - ông Thành nói.
Dù nhận định chỉ tiêu này có thể thực hiện được nhưng ông Thành cũng lưu ý cần phải xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế. Bên cạnh đó, là việc cân bằng được các vấn đề của xã hội, cải cách thể chế, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động tốt lên nữa.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì đã không ít lần nhấn mạnh dư dịa kinh tế Việt Nam còn rất lớn. Việt Nam hoàn toàn đạt được các mức tăng trưởng cao, chứ không chỉ "loay hoay" ở con số 6,7%.
Với những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, mà có thể nhìn rõ ở thương vụ Sabeco, năm 2018, dường như có thể tin vào một bức tranh kinh tế sáng nét hơn, là bản lề cho những mục tiêu dài hạn của Việt Nam.