Kinh tế

Giá cước vận chuyển sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2024

Đình Đại 17/11/2024 04:20

Giá cước vận chuyển sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2024 và năm 2025, do các tuyến thương mại dài hơn gây ra sự căng thẳng năng lực vận chuyển.

nganhcangbien.jpg
Mặc dù ngành cảng biển nói chung đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 10T 2024, với sự hỗ trợ đáng kể từ các yếu tố vĩ mô và ngành, Mirae Asset Việt Nam cho rằng vẫn còn những bất ổn từ các yếu tố kinh tế vĩ mô trong năm 2024 và 2025 - Ảnh: Germadept.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng so với cùng kỳ, bao gồm: Điện tử tăng hơn 26%; Điện thoại tăng gần 5%; Máy móc tăng 21,5%; Dệt may tăng 10,5%. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2024, trong đó, Mỹ tăng 25,6%; Trung Quốc tăng 3%; Nhật Bản tăng 4,7%; và Hàn Quốc tăng 6,8%.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trong 9 tháng năm 2024, tổng khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 640 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, hàng xuất khẩu ước đạt hơn 150 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ; hàng nhập khẩu ước đạt gần 200 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ; hàng nội địa ước đạt gần 290 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Đối với hàng container, tổng khối lượng hàng hoá tính theo TEU ước đạt hơn 22 triệu TEU, tăng 19% so với cùng kỳ.

Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cao nhất nước đều ở các cảng biển lớn như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh. Một số khu vực khác cũng có sản lượng cao như Huế, Quy Nhơn, Cần Thơ, Thanh Hóa, Đà Nẵng...

Đánh giá về triển vọng của ngành cảng biển trong năm 2025, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, theo dự báo gần nhất của Ngân hàng Thế giới, GDP thực năm 2024 và 2025 cho các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc đề sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến sự phục hồi thu nhập và nhu cầu tại các thị trường này.

vantaibien(1).jpg

Cũng theo Mirae Asset Việt Nam trong 10 tháng 2024, một số Ngân hàng Trung ương phương Tây đã bắt đầu hạ lãi suất điều hành. Ngoài ra, trong bối cảnh lạm phát gần đây hạ nhiệt và các tín hiệu kinh tế suy yếu, kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất đã tăng lên ít nhất 1 điểm phần trăm vào năm 2024. Lãi suất điều hành thấp hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng dài hạn.

Bên cạnh đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại các thị trường chính vẫn ổn định trong 10 tháng 2024. Các chỉ số tại Hàn Quốc, Nhật Bản và EU vẫn đi ngang. Chỉ số niềm tin của Mỹ đã phục hồi sau lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng 9 mặc dù đã giảm đáng kể so với số liệu đầu năm 2024, trong bối cảnh dữ liệu kinh tế suy yếu và lo ngại suy thoái gia tăng. Trong khi đó, người tiêu dùng tại Mỹ đã chứng kiến sự sụt giảm trong tiền tiết kiệm của hộ gia đình, báo hiệu không tốt cho tiêu dùng trong tương lai.

Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán này cũng chỉ ra những rủi ro chính trong thời gian còn lại của năm 2024 và 2025. Mặc dù ngành cảng biển đã phục hồi mạnh mẽ trong 10 tháng năm 2024, nhưng Mirae Asset Việt Nam cho rằng, vẫn còn những rủi ro đáng kể trong thời gian còn lại của năm 2024 và 2025.

Cụ thể, tiết kiệm của hộ gia đình Mỹ vẫn ở mức thấp, báo hiệu không tốt cho tiêu dùng trong tương lai. Mức tiêu thụ thấp đe dọa sự phục hồi tiêu dùng tại Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, trong bối cảnh các công ty vận tải biển chủ chốt có hành động cắt giảm nguồn cung vận chuyển, cũng như căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

“Chúng tôi tin rằng giá cước vận chuyển sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2024 và năm 2025, do các tuyến thương mại dài hơn gây ra sự căng thẳng năng lực vận chuyển. Giá cước vận chuyển cao hơn sẽ gây áp lực lên thương mại toàn cầu, thúc đẩy lạm phát và ảnh hưởng đến tiêu dùng nói chung”, Mirae Asset Việt Nam nhận định.

Đồng thời, Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, căng thẳng kinh tế Mỹ-Trung có thể leo thang. Việc Mỹ tăng thuế gần đây đối với ô tô điện, tấm pin mặt trời, thép và các mặt hàng khác do Trung Quốc sản xuất có thể thúc đẩy một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế. Điều này đặt ra những mối đe dọa tiềm tàng đối với sự phục hồi của thương mại thế giới.

Đơn vị này cũng tin rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tiếp tục các chính sách thuế quan cứng rắn đối với các sản phẩm của Trung Quốc, điều này sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp khác như Việt Nam tại thị trường này. Một số ngành xuất khẩu tại Việt Nam có thể được hưởng lợi, vì lợi thế về giá của hàng hóa Trung Quốc sẽ thu hẹp, hỗ trợ một phần cho các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, mức thuế quan cao hơn có thể gây thêm áp lực lên tỷ lệ lạm phát, điều này có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất của Fed và cuối cùng cản trở tăng trưởng tiêu dùng dài hạn tại các thị trường chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá cước vận chuyển sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO