Một chiêu trò rộ lên gần đây là giả danh người giao hàng (shipper) gọi điện báo giao hàng, rồi yêu cầu chuyển khoản thanh toán.
Chỉ trong vòng hai thập niên gần đây, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã tạo ra những bước tiến nhảy vọt về kinh tế xã hội. Điều này thúc đẩy nhanh chóng sự tăng trưởng về sản xuất cũng như khả năng lưu thông hàng hóa.
Mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Telegram, Wechat… và cả ChatGPT không chỉ được dùng để tra cứu thông tin hay giải trí đơn thuần mà còn trở thành xu hướng thương mại kiểu mới, lấn át các kiểu kinh doanh truyền thống.
Hệ thống phân phối hàng hóa được cung cấp đến tận tay người mua nhanh chóng và thuận lợi, làm cho nghề giao hàng trở thành nghề có lực lượng lao động đông đảo tham gia. Hầu như thói quen mua sắm của mọi người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay là chọn đồ trên mạng và đặt hàng giao đến tận nơi. Từ quần áo, giày dép đến đủ loại hàng hóa, đồ gia dụng, đồ ăn thức uống… chỉ cần đặt hàng là có người mang đến, sau đó thanh toán trực tuyến là xong.
Tuy nhiên, không gian mạng cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng tội phạm thực hiện các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Một chiêu trò rộ lên gần đây là giả danh người giao hàng (shipper) gọi điện báo giao hàng, rồi yêu cầu chuyển khoản thanh toán. Đây là hoạt động lừa đảo có tổ chức, với các ổ nhóm điều khiển từ nước ngoài, thường nhắm vào những khung giờ khi mọi người đang tập trung làm việc, không có ở nhà.
Chúng gọi điện thông báo: “Anh/chị có đơn hàng bên Shopee, em đã giao hàng cho anh/chị rồi. Nhà chưa có người nhận nên em đã gửi ở hàng xóm, người quen hoặc lễ tân nếu ở chung cư”, sau đó yêu cầu chuyển tiền thanh toán. Nếu người nhận bảo không đặt hàng, chúng lại nói rằng vợ hay người nhà đã đặt.
Khi người nhận đang bận rộn với công việc và không thể nhớ rõ liệu mình hay người nhà đã đặt hàng, họ rất dễ tiện tay chuyển khoản thanh toán. Số tiền yêu cầu thường không lớn, chỉ vài ba chục đến hơn trăm nghìn, khiến người nhận chủ quan và nghĩ chỉ cần chuyển tiền để giải quyết nhanh chóng, tránh bị làm phiền khi đang bận họp hoặc xử lý công việc.
Trong cuộc sống hiện đại nhanh chóng và gấp gáp với lượng công việc cần xử lý nhiều và yêu cầu tốc độ, nhiều người không nhớ hết mọi hành động trong ngày. Trong khi đó, các đối tượng lừa đảo chỉ cần ngồi một chỗ và gọi điện liên tục, xác suất lừa đảo thành công khá cao vì nhiều người quá bận rộn không kiểm soát được hết các hành động của mình trong ngày.
Khi đã lừa được tiền, chúng sẽ cắt đứt liên lạc, nhưng nếu thấy “con mồi” mất cảnh giác, chúng còn tiếp tục giăng bẫy bằng cách báo gửi nhầm số tài khoản và gửi đường dẫn (link) yêu cầu người mua thực hiện theo các thao tác trong đường dẫn. Nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển và mất hết tiền trong tài khoản là điều dễ xảy ra.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc truyền thông để người dân cảnh giác và biết rõ thủ đoạn của bọn lừa đảo, các cơ quan quản lý cần vào cuộc. Nhà mạng viễn thông cần có bộ lọc kiểm soát các cuộc gọi từ các ổ nhóm lừa đảo ở nước ngoài như Campuchia, Philippines, Malaysia… vào Việt Nam. Ngân hàng cũng cần có cơ chế kiểm soát việc chuyển tiền ra nước ngoài để bảo vệ khách hàng. Cần có các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân như số điện thoại của khách hàng để ngăn chặn việc cung cấp thông tin cho các ổ nhóm lừa đảo.
Người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách thanh toán trước trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc kiểm tra qua camera, đối chiếu với người thân khi có đơn hàng thực. Khi mọi người nâng cao cảnh giác, thủ đoạn này sẽ không còn lừa được ai nữa.