Trong quý IV/2021, sản lượng kinh doanh xăng dầu của PLX chỉ bằng 90% so với cùng kỳ, cùng với phát sinh khoản tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khiến lợi nhuận của tập đoàn này sụt giảm.
>>>“Thanh toán thông minh – Lợi ích đồng hành” cùng Petrolimex
Theo báo cáo tài chính quý IV/2021, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (HoSE: PLX) ghi nhận doanh thu thuần 49.372 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm 94% trong doanh thu thuần nên lãi gộp còn 3.049 tỷ đồng, giảm 18% so với quý IV/2020.
Trong kỳ, PLX có 290 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 39% so với cùng kỳ, tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng 58,5% lên gần 260 tỷ đồng. Đáng chú ý hoạt động khác lãi tới 227 tỷ đồng cao gấp 7,6 lần cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, PLX lãi sau thuế 701 tỷ đồng trong quý IV, giảm 30% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 595 tỷ đồng, giảm 36% so với 2020.
Theo giải trình PLX cho biết, từ phía công ty, trong kỳ sản lượng kinh doanh xăng dầu sụt giảm trong quý này, chỉ bằng 90% cùng kỳ 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ đầu quý IV/2021 đến tháng 11, mỗi thùng dầu thế giới (WTI) tăng 11%, từ 75,88 USD lên 84,05 USD, sau đó lại giảm 19% vào cuối quý. Diễn biến này khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm và phát sinh khoản tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 199 tỷ đồng, lên 224 tỷ đồng.
Ngoài ra, lợi nhuận hoạt động tài chính giảm so với cùng kỳ năm 2020 chủ yếu từ nguồn cổ tức, lợi nhuận được chia của các công ty con, công ty liên kết; do ảnh hưởng dịch COVID-19 đến lợi nhuận các năm 2020, 2021 đã tác động đến kế hoạch chia cổ tức của các công ty.
Luỹ kế năm 2021, tập đoàn này đạt 169.113 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng xấp xỉ 37% so với cùng kỳ. Như vậy, bình quân mỗi ngày PLX thu về hơn 463 tỷ đồng từ bán hàng và dịch vụ.
Giá vốn tăng, chủ yếu do giá xăng dầu tăng mạnh, khiến biên lợi nhuận gộp giảm 0,6%, còn 7,5%. Dù vậy, lợi nhuận gộp bán hàng, dịch vụ của tập đoàn này trong năm ngoái vẫn đạt 12.706 tỷ đồng, tăng gần 27% so với 2020.
>>>“Lùm xùm” tại gói thầu mua máy bơm: Petrolimex nói gì?
Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 3.111 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ 2020. Riêng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 2.830 tỷ đồng, gần gấp 3 cùng kỳ. So với kế hoạch, các chỉ số doanh thu, lợi nhuận đạt được năm 2021 vượt 25% và 13%.
Tổng tài sản của PLX tính đến ngày 31/12/2021 đạt 64.300 tỷ đồng, tăng 5,2% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn với 18.025 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 14.757 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản; tồn kho đạt 13.160 tỷ đồng, chiếm 20,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.090 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản.
Trong báo cáo triển vọng ngành dầu khí mới đây, các chuyên gia của SSI nhận định, lợi nhuận năm 2022 của PLX có thể tăng 25%, do sản lượng tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay cũng như các phân khúc khác hồi phục. Ngoài ra, việc thoái vốn khỏi PGB có thể đem lại khoản thu nhập bất thường cho PLX.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới liên tục tăng cao trong thời gian qua cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu cũng như lợi nhuận cùa PLX trong năm nay. Theo oilprice, đầu giờ sáng ngày 17/2 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức 90,94 USD/thùng, giảm 2,72 USD, tương đương 2,90%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức tăng 1,53 USD, tương đương 1,64%, lên 94,81 USD/thùng.
Giá dầu ngày 16/2 đã tăng hơn 1% khi các nhà đầu tư cân nhắc các tuyên bố mâu thuẫn về việc một số binh sĩ Nga có thể rút khỏi Ukraine - một động thái dường như làm giảm căng thẳng giữa Moscow và phương Tây.
Tuy nhiên, giá của các mặt hàng dầu thô giao sau đã giảm khi thị trường tiếp nhận thông tin từ các quan chức Mỹ và Iran cho biết họ đã tiến gần hơn đến một thỏa thuận về phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, cho phép nước này tăng doanh số bán dầu ra toàn cầu.
Vài tuần qua, việc Nga có thể tấn công Ukraine đã tác động mạnh thị trường dầu, đẩy giá dầu liên tục “leo dốc” do lo ngại lớn dần về sự gián đoạn nguồn cung từ nhà sản xuất dầu lớn (Nga) trong khi nguồn cung toàn cầu đang ngày càng thắt chặt. Nhiều chuyên gia và ngân hàng đã dự báo căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu có thể đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng, thậm chí là 120 USD/thùng.
Có thể bạn quan tâm
“Thanh toán thông minh – Lợi ích đồng hành” cùng Petrolimex
07:00, 11/12/2021
“Lùm xùm” tại gói thầu mua máy bơm: Petrolimex nói gì?
04:20, 16/07/2021
Petrolimex liên quan gì đến doanh nghiệp xăng dầu vừa bị bắt tại Đồng Nai?
10:56, 19/05/2021
Vụ dầu diesel lẫn nước tại Nam Định: Petrolimex nói gì?
11:00, 08/05/2021
Petrolimex đã xoá được khoản lỗ gần 1.900 tỷ đồng
22:16, 04/11/2020