Chính trị - Xã hội

Giá điện tăng 4,8% tác động thế nào tới hàng hóa?

Hà Thu 16/10/2024 03:22

Giá cả một số mặt hàng có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu sản xuất, tiêu thụ tăng, kéo nhu cầu sử dụng điện tăng.

Từ ngày 11/10, mức giá bán lẻ điện bình quân được quyết định điều chỉnh tăng thêm 4,8%, cao hơn dự đoán. Giá điện tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

giadien.jpg
Công nhân Công ty Truyền tải điện kiểm tra thiết bị TBA 220 kV Xuân Mai. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Trước đó, Bộ Công Thương đã kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023, EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Tuy nhiên do có thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng, nên năm 2023 EVN còn lỗ 21.821,56 tỷ đồng. Năm 2022, EVN lỗ 26.235 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số lỗ của 2 năm 2022 - 2023 lên tới hơn 48.000 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ USD), chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá hơn 18.000 tỷ đồng theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần còn lại năm 2019 và khoản chênh lệch tỉ giá theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020 - 2023.

Trong năm 2023, EVN đã hai lần điều chỉnh giá điện, lần 1 là 3%, lần 2 là 4,5% vào tháng 11/2023, nhưng cuối cùng EVN vẫn lỗ.

Theo tính toán của các chuyên gia, EVN cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024 - 2025 ít nhất 5% - tương ứng 100 đồng/kWh để có thể hòa vốn. Mức điều chỉnh này tương đương với các lần điều chỉnh trong năm 2023. Tuy nhiên EVN mới có quyết định tăng giá lên 4,8%.

Mặc dù Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã từng nói rằng: "Bây giờ chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có cả giảm", tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, khó tin rằng giá điện sẽ giảm mà chỉ có tăng và thực tế cho thấy đã tăng.

Vậy, giá điện tăng sẽ tác động thế nào tới hàng hóa?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng ngành sản xuất, đặc biệt sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể về chi phí khi giá điện tăng ngay trong quý cuối năm, kéo giá thành, giá bán ảnh hưởng theo.

Tình hình này có thể sẽ gây áp lực lên lạm phát cuối năm khi chỉ số tiêu dùng phụ thuộc nhiều vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các mặt hàng phục vụ tiêu dùng và các hoạt động ăn uống phục vụ tết sẽ ảnh hưởng bởi thời gian cuối năm đã cận kề, sản xuất tăng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đơn hàng xuất khẩu có tăng sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ điện tăng.

Mặc dù cho rằng việc giá điện bình quân tăng khoảng 4,8% thì số tiền người dân, doanh nghiệp phải đóng thêm không quá lớn, chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước đây mỗi khi giá điện tăng thường sẽ xảy ra hiện tượng giá cả hàng hóa “tát nước theo mưa”, lập tức tăng theo, dù trên lý thuyết thì giá điện sẽ không tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa ngay như thế được.

“Cơ quan quản lý, đặc biệt là Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cần siết chặt, tăng cường kiểm tra, quản lý không để giá cả hàng hóa tăng” – Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Nam, Tổng Giám đốc Công ty UBOFOOD Việt Nam, cho biết không chỉ là chi phí tiền điện tăng mà các chi phí khác cũng gián tiếp tăng theo giá điện, trong đó giá cả các sản phẩm thực phẩm đầu vào cũng tăng theo. Doanh nghiệp sẽ chịu tác động kép khiến chi phí bị tăng thêm, trong khi doanh nghiệp chưa thể tăng giá bán ngay để giữ ổn định cho khách hàng.

Tương tự, ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, việc EVN quyết định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% đã tạo thêm áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện, doanh nghiệp đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh...

Theo tính toán của chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng 10% thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của toàn nền kinh tế sẽ tăng 0,33%. “Như vậy với con số này thì việc giá điện tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số lạm phát hay CPI cả năm, chúng ta hoàn toàn vẫn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, rõ ràng việc giá điện tăng sẽ khiến giá sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, khiến lợi nhuận giảm đi, người dân cũng sẽ đối mặt với chi phí chi tiêu tăng hơn so với trước”. - Ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong bối cảnh giá điện tăng, doanh nghiệp cần phải tiết giảm chi phí, sắp xếp lại cơ cấu giá sản xuất để hạn chế đầu vào, giúp lợi nhuận không bị giảm đi, thay vì việc tăng giá thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá điện tăng 4,8% tác động thế nào tới hàng hóa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO