Xoay quanh vấn đề gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, theo chuyên gia, để đảm bảo hiệu quả và tránh các rủi ro tiềm ẩn, cần cân nhắc kỹ thời hạn áp dụng...
>> Gia hạn Thông tư 02/2023: Cần lường trước rủi ro... nợ xấu
Theo đó, trước những kiến nghị về việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú cho biết, sẽ xem xét việc gia hạn thêm Thông tư này, tuy nhiên, thời gian gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ.
Thực tế, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực cả trong và ngoài nước, việc áp dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đã giúp doanh nghiệp không phải chịu áp lực trả nợ, mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển. Vì vậy, khi các quy định này chuẩn bị hết hiệu lực vào ngày 30/6/2024, đề xuất kéo dài Thông tư này nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Trong đó, đa số các ý kiến đều cho rằng, việc gia hạn là cần thiết để giúp người đi vay giảm áp lực trả nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới và giúp phía ngân hàng giảm bớt áp lực nợ xấu trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc kéo dài thời hạn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN, cũng được cho chỉ là giải pháp tạm thời, không nên duy trì quá lâu, dễ dẫn đến rủi ro về nợ xấu khi hết hiệu lực.
>> Gia hạn Thông tư 02/2023: Thêm cơ hội để doanh nghiệp “hồi sức”
Trước vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho hay, quá trình xem xét gia hạn Thông tư này cần chú ý bám sát thực tiễn để đảm bảo hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng nợ của các ngân hàng thương mại không để nợ xấu phát sinh, dẫn đến hậu quả sau này.
Theo ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN do thị trường hiện còn khó khăn, kinh tế trong và ngoài nước vẫn chưa phục hồi mạnh, khách hàng cần thêm thời gian để cơ cấu và trả nợ, tuy nhiên, cần phải cân nhắc rất kỹ thời gian kéo dài Thông tư này, không thể kéo dài một cách cảm tính mà phải dựa trên phân tích đầy đủ, dự báo về khả năng phục hồi của nền kinh tế, người dân.
“Về phía các ngân hàng cần có khảo sát cụ thể, bởi lẽ chính ngân hàng mới hiểu sức khoẻ khách hàng của mình”, vị này chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, phải kéo dài khoảng 01 năm để các doanh nghiệp phục hồi, từ đó có dòng tiền trả nợ.
Đồng thời đề xuất, về đối tượng, cũng phải cân nhắc xem có cần thiết áp dụng với tất cả các đối tượng hay không.
“Đối với đối tượng được gia hạn, ngân hàng cần đánh giá nhóm khách hàng nào có khả năng vực dậy thì nên áp dụng. Còn với đối tượng khách hàng quá yếu kém thì nên xử lý ngay vì việc kéo dài 6 tháng hay 01 năm cũng không có nhiều ý nghĩa”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, không ít chuyên gia cũng cho rằng, việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN nên kéo dài 01 năm đến 30/6/2025, bởi đây là thời điểm nền kinh tế chung được dự báo sẽ phục hồi, các chính sách quan trọng khác cũng đã thẩm thấu để tạo động lực thúc đẩy phát triển.
Được biết, một trong những nội dung được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là việc xem xét một số văn bản lĩnh vực ngân hàng, trong đó, có Thông tư 02/2023/TT-NHNN về giãn, hoãn nợ.
Theo các nội dung chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, Thông tư 02/2023/TT-NHNN là một trong những văn bản được lãnh đạo Chính phủ quan tâm yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát xem xét, cần thiết có thể chỉnh sửa, hoặc gia hạn để phù hợp thực tế. Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Các nội dung chỉ đạo được nêu rõ tại một số văn bản như: Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 4/10/2023, trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện một số văn bản do cơ quan này ban hành, bao gồm Thông tư 02/2023/TT-NHNN để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023, Thủ tướng cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước theo thẩm quyền khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và một số văn bản, quy định khác để chủ động, kịp thời xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định…
Mục đích việc đánh giá, rà soát này cũng để nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Mục tiêu chung là ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng theo đúng quyết nghị của Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Gia hạn Thông tư 02/2023: Cần lường trước rủi ro... nợ xấu
11:28, 24/02/2024
Gia hạn Thông tư 02/2023: Thêm cơ hội để doanh nghiệp “hồi sức”
03:00, 23/02/2024
Gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ: Cần đánh giá kỹ đối tượng áp dụng
00:30, 22/02/2024
Cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN
04:00, 15/01/2024
Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp
05:30, 22/12/2023