Tỉnh Gia Lai đang nỗ lực thúc tiến độ các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp,... để các doanh nghiệp đến đóng chân và phát triển.
Theo số liệu thống kê, trước khi sáp nhập thì tỉnh Bình Định (cũ) và tỉnh Gia Lai (cũ) đều có số liệu thu hút hút đầu tư ấn tượng trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tỉnh Bình Định (cũ) đã thu hút 68 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt gần 52.000 tỷ đồng còn tỉnh Gia Lai (cũ) cũng đã thu hút được 49 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, các giải pháp trong thu hút đầu tư, cải cách hành chính và đồng hành cùng doanh nghiệp đươc triển khai đồng bộ để đạt được kết quả trên. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được địa phương đẩy mạnh song song với các buổi gặp gỡ, tọa đàm và làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Đồng thời, các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng… cũng được chú trọng triển khai giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và thuận lợi với thị trường.
Sau khi tiến hành sáp nhập, lãnh đạo tỉnh Gia Lai (mới) xác định công tác thu hút đầu tư, tao quỹ đất sạch, mặt bằng,... cho doanh nghiệp là cấp thiết. Đặc biệt, các dự án khu, cụm công nghiệp cần được đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu trên địa bàn.
Điển hình như Khu công nghiệp Nam Pleiku, vừa qua lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã có các chỉ đạo cụ thể về đẩy nhanh tiến độ của dự án. Tại buổi làm việc với chủ đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng đã giao các đơn vị liên quan xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Cụ thể là cấp chủ trương đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và các hạ tầng thiết yếu khác. Về thời gian hoàn thiện, lãnh đạo tỉnh Gia Lai yêu cầu đến đầu năm 2026 phải thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp này.
Được biết, Khu công nghiệp Nam Pleiku có tổng diện tích quy hoạch gần 200 ha, được phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngày 3/9/2019, do Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê làm chủ đầu tư. Theo đó, tổng vốn đầu tư dự án ban đầu là 517,553 tỷ đồng, sau đó, công ty tổ chức lập, phê duyệt dự án còn lại 476,616 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án này vẫn còn gặp một số vướng mắc. Cụ thể như quy hoạch chưa đồng bộ, tồn tại vấn đề về đấu nối giao thông, thoát nước ra ngoài ranh dự án; thủ tục đất đai chậm, diện tích 8 ha đất nhà ở công nhân chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng,...
Ông Lê Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê (chủ đầu tư) cho biết Khu công nghiệp Nam Pleiku sẵn sàng đón nhà đầu tư khi được tháo gỡ khó khăn. Vị này cho rằng dự án nằm ở vị trí chiến lược, kết nối giữa các vùng nguyên liệu dồi dào và hạ tầng đồng bộ,... cần được hỗ trợ đi vào hoạt động để không gây lãng phí nguồn lực và bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Tại kết luận mới đây, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất các dự án năng lượng tái tạo, đô thị, các khu, cụm công nghiệp trên khu vực tỉnh Gia Lai (trước đây).
“Đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp ứng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ,… vào các khu, cụm công nghiệp; nâng cao tỷ lệ lấp đầy trong các khu kinh tế, khu công nghiệp hiện hữu, nhất là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định. Triển khai đầu tư một số khu công nghiệp trọng điểm như: Phù Mỹ, Hoài Mỹ, Cát Trinh, Bình Nghi, Nam Pleiku 2, Đak Đoa…”, Chủ tịch Gia Lai nhấn mạnh.