Tại giao ban Hiệp hội thường kỳ do VCCI chi nhánh Hải Phòng vừa tổ chức, giá thuê đất "đè đầu" doanh nghiệp 1 lần nữa trở thành chủ để “nóng”.
Theo ông Đặng Thế Lưỡng - Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) quận Hải An, HHDN quận Hải An đã nhận được rất nhiều phản ánh về việc giá thuê đất tăng rất cao sau mỗi chu kỳ 5 năm. Đơn cử, với Tasa Duyên Hải - nếu năm 2017 tiền thuê đất của doanh nghiệp là hơn 1 tỷ đồng thì đến năm 2018 bắt đầu chu kỳ ổn định thuế đất 5 năm tiếp theo, số tiền thuê đất hàng năm doanh nghiệp phải nộp là hơn 2,6 tỷ đồng. Mức tăng gần 250% quả là khiến doanh nghiệp rất hoang mang.
Cũng theo ông Lưỡng, chu kỳ ổn định thuế đất 5 năm/lần không còn phù hợp nữa, và chính chu kỳ này là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không lớn lên được.
“Tiền thuê đất chỉ ổn định trong thời gian ngắn (chu kỳ 5 năm) và có sự điều chỉnh tăng giá quá cao sau mỗi chu kỳ (có những vị trí được điều chỉnh tăng trên 200%) đã ảnh hưởng rất lớn đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh chi phí thuê đất không tương ứng với chu kỳ đầu tư của doanh nghiệp: đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức khai thác vốn và thu hồi vốn của doanh nghiệp có chu kỳ bình thường tối thiểu cũng là trên 10 năm. Vì vậy, chu kỳ ổn định thuế đất không có thời gian đủ dài để DNNVV thực hiện các chiến lược tái đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến DNNVV không lớn lên được” – ông Lưỡng nêu ý kiến.
Đồng quan điểm với HHDN quận Hải An, đại diện HHDN quận Lê Chân cho biết, Lê Chân có CCN Vĩnh Niệm với 25 doanh nghiệp nhưng trong thời gian gần đây, áp lực về tiền thuê đất đã khiến nhiều doanh nghiệp trong CCN không còn nhiều lãi, thậm chí không có lãi.
Ông Chu Ngọc Thanh – Thư ký HHDN quận Lê Chân cho biết, tại CCN Vĩnh Niệm tiền thuê đất đã tăng lên 30 – 50 lần so với mức quy định cũ trong hợp đồng thuê đất 50 năm. Ông Thanh cho biết thêm, các doanh nghiệp đã có công văn gửi UBND TP và các ban ngành từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Rõ ràng tiền thuê đất là loại chi phí chỉ có tăng, không có giảm nhưng phải tăng như thế nào, tăng phải có lộ trình để doanh nghiệp có kế hoạch về tài chính, giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài – ông Thanh nhấn mạnh.
Cùng cảnh ngộ với các doanh nghiệp trong CCN Vĩnh Niệm, Tasa Duyên Hải, cùng nhiều doanh nghiệp khác, Công ty TNHH Phú Vinh, cũng đang phải "gánh" mức phí thuê đất mà theo họ là quá cao.
Cụ thể, ông Phạm Quang Vinh - Chủ tịch HH du lịch Hải Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Phú Vinh cho biết, đa số doanh nghiệp làm du lịch phải sử dụng diện tích đất rộng nhưng tiền thuê đất thì liên tục tăng cao khiến doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm khó khăn. Như tiền thuê đất của Công ty Phú Vinh tăng tới 13 lần, từ chỗ 780 triệu đồng/năm lên 1,160 tỷ đồng/năm. Đến khi có Nghị định 135 (năm 2016) của Chính phủ vì là doanh nghiệp được hưởng ưu đãi nên tiền thuê đất của doanh nghiệp hạ xuống còn 817 triệu đồng/năm. Sau 17 kỳ đối thoại của UBND TP Hải Phòng, doanh nghiệp được 25%, còn 609 triệu đồng/năm nhưng Cục Thuế Hải Phòng lại chỉ cho doanh nghiệp được hưởng từ tháng 4/2018. Đến khi doanh nghiệp quyết liệt kiến nghị thì Cục Thuế Hải Phòng cho biết cần kiến nghị tới Tổng cục Thuế. "Cục Thuế Hải Phòng giải qyết doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ tháng 4 năm 2018 được nhưng tại sao 2 năm 2016, 2017 lại không được" – ông Vinh bức xúc.
Có thể bạn quan tâm
06:02, 24/05/2019
14:31, 22/05/2019
00:00, 22/05/2019
Cũng tại hội nghị này, đại diện HH Vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng chia sẻ, theo quy định mỗi chu kỳ 5 năm, đơn giá thuê đất sẽ tăng từ 15 – 20% nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp bị tăng đến 200%, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn bị tăng nhiều hơn thế. Ví dụ, Công ty Cổ phần vận tải và Thuê tàu Vietfracht Hải Phòng tiền thuê đất tăng gần 300%. Giá đất chu kỳ 5 năm cũ của công ty là hơn 500 triệu đồng/năm, nhưng áp theo giá mới (chu kỳ 5 năm tiếp theo, tính từ năm 2018) giá thuê đất của doanh nghiệp này đội lên 1,5 tỷ đồng/năm. Đại diện Hiệp hội này đề nghị VCCI chi nhánh Hải Phòng có kiến nghị gửi tới Chính phủ, nên thay đổi chu kỳ lên 10 năm hoặc tăng giá mỗi chu kỳ ổn định theo quy định từ 15 – 20%, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Giá thuê đất tăng hàng năm là chuyện không riêng của doanh nghiệp Hải Phòng mà là hệ quả tất yếu của chính sách tăng giá tiền thuê đất. Song, đa số ý kiến của các Hiệp hội cho rằng cơ cấu giá thuê đất hiện đang thay đổi rất nhanh, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, tất cả các Hiệp hội đều đề xuất VCCI Hải Phòng tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, các Hiệp hội sau đó trình VCCI gửi lên Chính phủ có biện pháp tháo gỡ.