Đã từ lâu tôi rất ít khi tức giận hoặc có những cảm xúc tiêu cực như buồn, cô đơn, tủi thân, chán nản, thất vọng …
Tôi biết rất nhiều bạn tới học Thiền với mong muốn “thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực”. Điều này là đúng, nhưng chưa đủ. Thoát khỏi tiêu cực bằng cách né tránh, che giấu hoặc đơn giản là lờ nó đi, lấy “hoạt động tích cực” để đè bẹp không cho sự tiêu cực nổi lên.
OI CHIẾU...
À, thế bạn đã thấy hòn đá đè lên cỏ chưa? Chỉ sau một thời gian, cỏ lại mọc lên, len qua kẽ đá, xanh tốt. Cảm xúc tiêu cực cũng vậy, càng đè nén, càng cố “vứt bỏ” nó, thì nó càng đâm sâu bén rễ và sẽ quay lại “cắn trả” còn tệ hại hơn.Vì vậy, tôi rất biết ơn khi mình có cảm xúc tiêu cực. Nó tới, cho tôi có cơ hội nhận ra những yếu kém nội tâm. Chỉ khi nhận ra, mới có thể biết mà chuyển hóa.
Năm nay, tôi nhận thấy có hai lần mình thực sự nổi giận, đều liên quan tới dịch vụ thẻ của ngân hàng. Luôn luôn là món tiền rất nhỏ, nhưng sự tức giận tới từ việc mỗi lần nhấc máy lên hỏi là một lần đối mặt với một giọng nói mới, hoàn toàn xa lạ, một lần lại phải nói lại từ đầu, một lần lại phải lắng nghe những câu trả lời rập khuôn giống nhau như đúc – lúc đó tôi luôn cảm thấy rằng, tôi đang đối thoại với một cái máy trả lời tự động – chỉ khác ở âm sắc. Sau vài lần trò chuyện kiên nhẫn và mềm mỏng, rốt cuộc tôi đều tức giận tới phát cáu – để ngay lập tức nhận ra cảm xúc của mình đang rơi vào trạng thái tiêu cực.
Mỗi lần như vậy, là một lần tôi dừng lại và quan sát, tự hỏi mình: Tại sao mình lại có cảm xúc này? Nó xuất phát từ đâu?
Nhờ có sự xuất hiện của cơn tức giận, tôi mới nhận ra những tàng thức cũ bên trong mình, những thói quen cư xử của một thời làm boss, một thời làm “nhà báo” … vẫn còn lay lắt sống ở đâu đó trong tâm trí tôi. Là một con người sống “đời thường”, việc phản ứng dữ dội với những điều “xấu, không tốt, lừa dối” là điều bình thường, nên làm, để đóng góp một phần vào việc làm cho xã hội tốt hơn. Nhưng là một người tu tập, người làm việc với bản thân, thì việc quan trọng nhất không phải là chiến đấu chống lại cái tiêu cực bên ngoài, mà là phải nắm lấy cơ hội đó để dọn dẹp những tiêu cực sẵn có bên trong mình.
Khi ta nổi giận với sự dối trá bên ngoài – là lúc ta cần soi chiếu xem bản thân mình có phải cũng có sự không trung thực bên trong hay không?
ĐỂ "SÁNG" HƠN
Ngoại trừ một số cảm xúc bản năng, thì hầu hết cảm xúc của con người đều tới từ các mối quan hệ với bên ngoài. Từ khi là bào thai trong bụng mẹ, con người đã trải nghiệm cảm xúc. Mẹ vui khỏe, yêu thương, tâm trạng bình an, ăn ngủ điều độ… thì đứa nhỏ cũng trải nghiệm sự thoải mái, an hòa. Mẹ căng thẳng, đau khổ, mệt mỏi, tức giận … đứa nhỏ cũng trải nghiệm căng thẳng, áp lực...
Khi sinh ra, đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc, nó có thể được nâng niu yêu thương, chăm sóc, cho bú … và cảm xúc thoải mái dễ chịu tiếp tục gia tăng thông qua những điều nó được nhận. Tương tự, nó nhận biết những cảm xúc khó chịu, bất an khi người xung quanh căng thẳng, cãi cọ, la hét. Một cách tự nhiên, con người tìm kiếm những cảm xúc mang lại cho mình sự dễ chịu và né tránh những cảm xúc khó chịu.
Ở cấp độ thấp nhất, sự thoải mái này đồng nghĩa với sự an toàn. Gia đình, gia tộc, quê hương, dân tộc, đất nước… chính là mô hình con người văn minh hóa nhu cầu được cảm thấy mình được an toàn, được bao bọc.
Con người có bản năng tự nhiên là tìm kiếm sự an toàn trong cộng đồng xung quanh. Để có sự an toàn đó, nó cần phải được cộng đồng công nhận. Nhu cầu được công nhận, được thuộc về, được yêu thương – là nhu cầu bức thiết chỉ sau nhu cầu sinh tồn cơ bản. Và đó là nguồn gốc của rất nhiều cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực.
Để được cộng đồng của công nhận, chúng ta cố gắng phấn đấu, nỗ lực học tập, nỗ lực thành công, nỗ lực xinh đẹp, nỗ lực để trở nên nổi bật. Vì chúng ta được dạy rằng càng thành công, nổi bật… thì càng được công nhận.
Để được thuộc về, chúng ta cố gắng hành xử khéo léo, chú ý hành động từ ăn mặc tới nói năng… để làm sao không bị chướng mắt trong cộng đồng lớn nhỏ của mình, để không trở thành con quạ trắng giữa bầy quạ đen.
Để được yêu thương, chúng ta cố gắng hy sinh những gì mình yêu thích, cố gắng bỏ qua, tha thứ, nhẫn nhịn, cố gắng làm đủ thứ để người mình yêu quý yêu quý mình…
Những cảm xúc tích cực sinh ra từ những nỗ lực đáp ứng nhu cầu đó rất nhiều. Nhưng những cảm xúc tiêu cực sinh ra từ những nỗ lực đó cũng nhiều không kém.
Vì cộng đồng đó bao gồm những con người khác nhau với thiên hình vạn trạng tiêu chuẩn và đòi hỏi khác nhau – để được họ thừa nhận, chấp nhận, yêu thương – đó là một khối lượng công việc khổng lồ.
Làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu đó của mình mà vẫn tràn đầy cảm xúc tích cực?
Đơn giản lắm.
Hãy làm ngược lại.
Luôn luôn công nhận những sự đặc biệt, những nỗ lực, sự cố gắng và thành công dù nhỏ nhất của người khác.
Luôn luôn mở rộng vòng tay bao dung, chấp nhận, nâng đỡ … những yếu đuối, những thất bại, những thiếu hụt của người khác.
Luôn luôn yêu thương bất kể người khác như thế nào.
Khi đó, nhu cầu của bạn đã trở nên tràn đầy.
Và khi đó, bạn trở nên biết ơn những cảm xúc tiêu cực của mình!