Giá trị của doanh nghiệp niêm yết ra sao khi đầu tư ESG?

Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh* 02/07/2024 09:55

Việc áp dụng thực hiện ESG của các công ty có thể làm phát sinh chi phí đáng kể, và việc các doanh nghiệp đầu tư vào ESG có dẫn đến lợi nhuận tài chính cho công ty của mình hay không?

>>>Dưới 30% doanh nghiệp đề cập đến ESG trong báo cáo tài chính

Xem xét mối quan hệ giữa các hoạt động ESG của công ty đối với hiệu quả tài chính, các lý thuyết kinh tế và nghiên cứu chỉ ra một mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa giữa giá trị của doanh nghiệp và hoạt động ESG. Việc thực hiện ESG của các doanh nghiệp mang lại tác động tích cực đối với giá trị của công ty.

Đầu tư ESG trở thành xu hướng bắt buộc và có tác động lớn đối với đánh giá giá trị công ty. Tuy nhiên điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ đầu tư, thời gian đầu tư ESG... (Ảnh minh họa)

Đầu tư ESG trở thành xu hướng bắt buộc và có tác động lớn đối với đánh giá giá trị công ty. Tuy nhiên điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ đầu tư, thời gian đầu tư ESG... (Ảnh minh họa)

Công bố ESG - một "thước đo" đầu tư

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những báo cáo chỉ ra một mối quan hệ giữa ESG và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp là một mối quan hệ ngược chiều. Một nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa hoạt động ESG và hiệu quả tài chính của 2165 công ty đến từ nền kinh tế của các nước mới nổi và các nước phát triển giai đoạn 2007 - 2014 cho thấy ESG có tác động tiêu cực đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi.

Cạnh đó, cũng có nghiên cứu mà nhóm tác giả tìm được cho thấy bằng chứng ESG không có tác động đáng kể nào đến khả năng sinh lợi của công ty (ROE) và giá trị của doanh nghiệp...

Tại Việt Nam, một số nghiên cứu kết luận thông qua các yếu tố trung gian như uy tín và văn hóa của doanh nghiệp, lòng trung thành của khách hàng thì việc thực hiện các hành động ESG mang lại tác động tích cực cho hiệu quả hoạt động của công ty. Tuy nhiên các nghiên cứu thiên về ngành hàng, chưa bao quát. 

>>>Gỡ nút thắt cho đầu tư ESG tại Việt Nam

Trên thực tế, đánh giá đúng ảnh hưởng của công bố thông tin ESG đến giá trị doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19, các tiêu chuẩn ESG đã nổi lên như một thước đo đánh giá quan trọng đối với các nhà đầu tư, khách hàng và Chính phủ,... vượt xa các thước đo tài chính truyền thống. Nhận thấy được tính cần thiết cũng như tầm quan trọng của ESG nên nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều đã, đang thực hiện và khuyến khích việc thực thi ESG để hướng đến một nền kinh tế xanh và bền vững; cần làm rõ và sâu hơn về ảnh hưởng của công bố thông tin ESG đến giá trị doanh nghiệp Việt Nam. Để từ đó, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đưa ra định hướng về chiến lược, quyết định đầu tư và khung chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh bền vững và có trách nhiệm trên toàn quốc.

PLX, một trong những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam đã có trang công bố về ESG bằng tiếng Anh để thông tin tới nhà đầu tư. (Ảnh: Petrolimex)

PLX, một trong những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam đã có trang công bố về ESG bằng tiếng Anh để thông tin tới nhà đầu tư. (Nguồn: Petrolimex)

Bộ tiêu chuẩn đo lường ESG, là viết tắt của 3 yếu tố Environmental - Social - Governance tức Môi trường - Xã hội - Quản trị trong quá trình vận hành doanh nghiệp. ESG là khung giúp các bên liên quan nhận biết và đo lường mức độ bền vững trong hoạt động của một tổ chức.

Công bố ESG của doanh nghiệp bao gồm các đo lường về lượng khí thải, sử dụng tài nguyên, môi trường và tài nguyên thiên nhiên của doanh nghiệp, chính sách lao động và nhân quyền, sức khỏe và an toàn lao động, chống tham nhũng và đầu tư cộng đồng,… Tầm quan trọng của việc công bố ESG ngày càng được nhà đầu tư quan tâm khi các thông tin này liên quan đến hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro. Vì vậy, công bố ESG có thể cung cấp thông tin liên quan cho việc hỗ trợ phân tích tài chính và đầu tư, ảnh hưởng đến giá trị của doanh nghiệp trong dài hạn. 

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tự nguyện công bố thông tin ESG ngoài báo cáo tài chính của họ để cung cấp thông tin liên quan đến việc đánh giá hiệu quả tài chính và phi tài chính của doanh nghiệp. Công bố thông tin về môi trường và xã hội là một phương tiện để minh bạch với các nhà đầu tư và trách nhiệm giải trình với các cơ quan quản lý. Hơn nữa, nó rất hữu ích cho các nhà đầu tư và các bên liên quan để thực hiện quyết định phù hợp một cách dễ dàng. Trước đó, một số nghiên cứu có xu hướng chứng minh rằng giá trị doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có mối quan hệ tích cực. Do đó, nó cho thấy rằng tính minh bạch của thông tin ESG có tác động tích cực giá trị doanh nghiệp. Nhà đầu tư tin rằng, thông tin ESG có thể đem lại lợi nhuận trong dài hạn cho doanh nghiệp, đồng thời thông tin ESG đáng tin cậy, kịp thời và có thể so sánh được nên ESG đóng vai trò rất quan trọng trong giá trị doanh nghiệp và các quyết định đầu tư.

Tác động ESG tới giá trị DNNY ở Việt Nam

Chúng tôi tập trung phân tích tác động của ESG đến giá trị các doanh nghiệp được niêm yết (DNNY) trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2016-2021. Đây được xem là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của chính sách thực thi phát triển bền vững và tăng trưởng xanh do Nhà nước đề ra và số liệu ở giai đoạn này sẽ không chịu quá nhiều biến động từ các sự kiện như dịch bệnh cũng như mâu thuẫn chính trị.

Một báo cáo vào tháng 5/2024 của PwC ghi nhận với các doanh nghiệp tư nhân, đầu tư ESG mang đến các cơ hội

Một báo cáo vào tháng 5/2024 của PwC ghi nhận với các doanh nghiệp tư nhân, đầu tư ESG mang đến các cơ hội. (Nguồn: PwC Việt Nam)

Sau khi phân tích dữ liệu, kết quả cho thấy các biến gồm: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Thời gian triển khai thực hiện ESG; Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản; Quy mô doanh nghiệp; Tỷ lệ tài sản trên doanh thu; Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu; Chi phí quảng cáo và Vốn đầu tư dành cho nghiên cứu và phát triển đều có tác động đến Giá trị các doanh nghiệp. Trong đó:

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tác động tích cực đến giá trị doanh nghiệp. Điều này cho thấy rằng những doanh nghiệp càng đẩy mạnh việc thực hiện chính sách phát triển bền vững bao gồm: thực hiện bảo vệ môi trường tự nhiên và sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên; chế độ lương, thưởng, bảo hiểm minh bạch dành cho nhân viên và hỗ trợ các chiến dịch an sinh xã hội mang tính lan tỏa cộng đồng thì giá trị của doanh nghiệp trên thị trường càng cao.

Thời gian triển khai và thực hiện chính sách ESG tác động tích cực đến giá doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thực hiện chính sách ESG trong một khoảng thời gian dài và áp dụng một cách hiệu quả thì giá trị của doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Việc thực hiện ESG trong khoảng thời gian dài hay ngắn sẽ cho thấy chiến lược phát triển bền vững và các giải pháp giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên có thật sự hiệu quả hay không và dẫn đến ảnh hưởng đến giá trị của doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thấy khoảng thời gian triển khai và thực hiện chính sách ESG càng dài thì giá trị doanh nghiệp càng được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản, Quy mô doanh nghiệp, Tỷ lệ tài sản trên doanh thu, Vốn đầu tư dành cho nghiên cứu và phát triển đồng thời có tác động tích cực đến giá trị các doanh nghiệp, trong khi Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và Chi phí quảng cáo lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của doanh nghiệp.

Đề xuất các giải pháp thúc đẩy ESG

*Đối với doanh nghiệp: 

Đầu tiên, có thể dễ dàng nhận thấy việc triển khai thực hiện ESG cũng như công bố báo cáo về phát triển bền vững hay hạng mục riêng về trách nhiệm xã hội không được hưởng ứng bởi quá nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên dựa vào kết quả nghiên cứu có được, các doanh nghiệp nên tìm cơ hội tiếp cận cũng như triển khai thực hiện ESG một cách đúng đắn và sớm nhất có thể. Bởi lẽ, trong ngắn hạn, ESG dưới góc nhìn của doanh nghiệp dường như là một loại chi phí, không có khả năng sinh lợi cao hoặc thậm chí có thể làm giảm giá trị công ty. Dù vậy, thực thi ESG là xu hướng tất yếu giúp tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, chúng sẽ trở thành khoản đầu tư đắt giá về dài hạn làm gia tăng giá trị doanh nghiệp trong tương lai. Hiện nay, những nhận thức về trách nhiệm xã hội đã và đang được nâng cao, mang trong mình tầm ảnh hưởng lớn cũng như nhận được sự hưởng ứng đông đảo trên toàn thế giới. Vì vậy, không quá khó để đi đến kết luận rằng hướng đến giá trị cộng đồng phản ánh tích cực tình trạng của doanh nghiệp trên khía cạnh giá trị tiền tệ. Ngoài ra, việc công khai các hoạt động xã hội, môi trường có thể thu hút đội ngũ nhân viên có trình độ, tăng cường sự tương tác của công ty với các bên liên quan và nâng cao danh tiếng doanh nghiệp trong mắt công chúng.

Ban lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp có thể xem xét điều chỉnh, sáng tạo những chiến lược kinh doanh mới nhằm thu hút khách hàng để từ đó nâng cao tỷ lệ tăng trưởng doanh thu đồng thời mở rộng quy mô doanh nghiệp. Theo như kết quả nghiên cứu, doanh thu cao và quy mô doanh nghiệp lớn sẽ tạo tiền đề thay đổi tích cực đến tỷ suất sinh lợi trên tổng tài tài sản cũng như tiềm lực tài chính nội tại của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có thêm nền tảng vững chắc cùng khả năng đáp ứng bộ tiêu chuẩn ESG để gia tăng giá trị thị trường cho chính doanh nghiệp của mình.

Tiếp theo, doanh nghiệp có tỷ lệ nợ trong cấu trúc vốn cao có thể cân nhắc việc hạn chế sử dụng nợ. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng nếu đòn bẩy tài chính cao, việc ra quyết định đầu tư vào triển khai ESG với mục đích gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi và chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Cuối cùng, doanh nghiệp có thể cắt giảm một lượng nhỏ chi phí quảng cáo hằng năm và chuyển hóa thành một khoản chi trích lập dành riêng cho bảo vệ môi trường hay hoạt động xã hội, từ thiện để tăng điểm ESG trong các bộ tiêu chuẩn đánh giá. Phần dư của chi phí quảng cáo có tác động tiêu cực đến giá trị doanh nghiệp còn có thể xem xét chuyển thành vốn đầu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển hằng năm, đặc biệt dùng cho phát triển những sản phẩm xanh, công nghệ xanh hướng tới phát triển bền vững để từ đó tạo ra giá trị nhân văn cốt lõi của riêng doanh nghiệp.

*Đối với Nhà nước:

Trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà đang phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh vô cùng to lớn, khốc liệt đến từ các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế, Nhà nước cần đề ra đường lối chỉ đạo, phương thức phổ biến rộng và sâu hơn về ý nghĩa cũng như những lợi ích to lớn mà ESG sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt nói riêng và toàn thể nền kinh tế quốc gia nói chung. Nếu cần thiết, Chính phủ có thể đưa ra quy định chung bắt buộc các doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt đều phải thực thi ESG, công bố báo cáo phát triển bền vững hằng năm đồng thời tạo riêng một hạng mục “Trách nhiệm xã hội” trên các kênh truyền thông chính thức của doanh nghiệp. Nhà nước có thể tổ chức lễ khen thưởng và trao tặng bằng khen dành cho doanh nghiệp xuất sắc hoàn thành những mục tiêu xanh, góp phần xây dựng xã hội, đất nước nhằm khuyến khích mỗi doanh nghiệp phấn đấu thực thi ESG hiệu quả, lâu dài.

*Nhóm tác giả: Cao Phan Xuân Vi, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Anh Quý, Nguyễn Ngọc Khánh Linh, Dương Nguyệt Minh - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Có thể bạn quan tâm

  • Hành trình thực hiện ESG

    Hành trình thực hiện ESG

    05:00, 29/06/2024

  • Giải pháp để doanh nghiệp thực hiện tốt ESG

    Giải pháp để doanh nghiệp thực hiện tốt ESG

    02:00, 29/06/2024

  • Thách thức rất lớn trong thực hành ESG, kinh tế tuần hoàn

    Thách thức rất lớn trong thực hành ESG, kinh tế tuần hoàn

    02:00, 25/06/2024

  • Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG

    Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG

    03:30, 22/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá trị của doanh nghiệp niêm yết ra sao khi đầu tư ESG?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO