Giá trị một tảng đá là bao nhiêu? Tùy vào vị trí bạn đặt nó thôi. Giá trị của một người đáng bao nhiêu? Hoàn toàn tùy thuộc vào nền tảng căn bản của sinh mệnh đó.
Tiểu hòa thượng ôm tảng đá ra chợ bán, chuyện xảy ra tiếp theo khiến nhiều người tỉnh ngộ (Ảnh minh họa: internet)
Một tảng đá bình thường tựa như không đáng nổi một đồng lại có thể bán được với các loại giá khác nhau. Câu chuyện thú vị này thực sự sẽ truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta.
Một ngày nọ, tiểu hòa thượng chạy tới thỉnh giáo lão hòa thượng: “Sư phụ, đời người ta có giá trị lớn như thế nào?”
Lão hòa thượng nói: “Ngươi hãy ra sau hoa viên, dọn sạch một tảng đá, sau đó đem ra chợ bán. Nếu có người hỏi giá, ngươi không cần phải nói gì, chỉ cần chìa hai ngón tay ra. Nếu người ta trả giá, thì ngươi cũng không cần bán, cứ ôm đá về. Sư phụ sẽ nói cho ngươi biết, giá trị nhân sinh lớn như thế nào!”
Vâng lời sư phụ, vừa rạng sáng hôm sau, tiểu hòa thượng đã ôm tảng đá lớn, mang ra chợ bán.
Trong chợ người đến người đi, mọi người rất tò mò, có một bà chủ đi tới hỏi: “Tảng đá này bán bao nhiêu tiền?”. Tiểu hòa thượng không nói gì, chỉ giơ hai ngón tay ra.
Bà chủ nói: “Là 2 đồng?”. Hòa thượng lắc đầu, bà chủ kia lại nói: “Như vậy là 20 đồng? Được rồi, được rồi! Ta sẽ mua về để nén dưa muối”.
Tiểu hòa thượng nghe thấy thế thì thầm nghĩ: “Ôi, tảng đá không đáng một đồng này lại có người bỏ ra 20 đồng để mua! Chúng ta trên núi còn có rất nhiều!”.
Sau đó, nghe lời dặn của sư phụ, tiểu hòa thượng vẫn không bán, hớn hở ôm đá chạy về gặp sư phụ:
“Sư phụ, hôm nay có một vị thí chủ nguyện ý bỏ ra 20 đồng để mua tảng đá. Sư phụ, ngài bây giờ có thể nói cho con biết, đời người ta có giá trị lớn như thế nào đi!”.
Thiền sư nói: “Không vội, ngươi sáng mai hãy đem tảng đá kia đến nhà bảo tàng, nếu có người hỏi giá, ngươi cứ như cũ giơ 2 ngón tay ra. Nếu người ta trả giá, ngươi vẫn không bán, tiếp tục ôm đá về, chúng ta sẽ bàn tiếp”.
Sáng sớm ngày hôm sau, ở trong viện bảo tàng, một đám người tò mò vây lại xem, xì xào bàn tán:
“Một khối đá bình thường như thế này, có giá trị gì đâu mà đem vào viện bảo tàng chứ?”.
“Nếu tảng đá này được bày biện trong viện bảo tàng, thì nó nhất định có giá trị, chỉ là chúng ta không biết mà thôi”.
Lúc này, có một người từ trong đám đông đi tới, lớn tiếng nói với tiểu hòa thượng:
“Tiểu hòa thượng, tảng đá này giá bao nhiêu tiền vậy?”. Tiểu hòa thượng không nói gì, chỉ giơ hai ngón tay ra.
Người kia nói: “200 đồng?”. Tiểu hòa thượng lắc đầu, người kia lại nói: “Vậy thì 2.000 đồng đi. Tôi muốn mua nó để điêu khắc một pho tượng Phật”.
Tiểu hòa thượng nghe đến đó, lùi lại một bước, vô cùng kinh ngạc. Cậu vẫn theo lời dặn của sư phụ, không bán và ôm tảng đá kia về núi:
“Sư phụ, hôm nay có người muốn bỏ ra 2.000 đồng để mua tảng đá kia. Bây giờ thì ngài nói cho con biết, giá trị của đời người lớn nhất là gì đi!”.
Lão hòa thượng cười nói: “Ngươi ngày mai hãy đem tảng đá kia đến tiệm đồ cổ, vẫn giống như cũ, có người trả giá thì hãy đem nó về. Lúc đó, sư phụ nhất định sẽ nói cho ngươi biết, đời người giá trị như thế nào”.
Ngày thứ ba, tiểu hòa thượng lại ôm tảng đá kia đi tới một cửa hàng đồ cổ, vẫn giống như trước, một số người vây lại xem, rồi bàn tán: “Đây là đá gì? Khai quật ở đâu vậy? Có từ triều đại nào? Là dùng để làm gì đây?”.
Cuối cùng có một người tới hỏi giá: “Tiểu hòa thượng, tảng đá này bán bao nhiêu tiền?”.
Tiểu hòa thượng vẫn như cũ, im lặng không nói, chỉ giơ hai ngón tay lên.
“2.000 đồng?”. Tiểu hòa thượng nghe vậy thì trố mắt, há hốc mồm, kinh ngạc thốt lên: “Hả?”.
Vị khách kia nghĩ là mình trả giá quá thấp, đã chọc tức tiểu hòa thượng, lập tức chữa lời: “À không! Không! Tôi nói nhầm, tôi sẽ trả cho cậu 20 vạn tiền”.
“20 vạn”. Tiểu hòa thượng nghe đến đó, lập tức ôm lấy tảng đá, chạy vội về núi gặp sư phụ. Vừa tới nơi, cậu thở hổn hển nói: “Sư phụ, sư phụ, bây giờ chúng ta có thể phát đạt rồi. Hôm nay có thí chủ trả giá 20 vạn tiền để mua tảng đá này! Giờ thì ngài nói cho con biết, giá trị lớn nhất của đời người là gì đi!”.
Lão hòa thượng xoa đầu tiểu hòa thượng, từ bi nói:
“Tiểu tử à, cuộc đời ngươi có giá trị lớn ngần nào, cũng giống như tảng đá kia vậy. Nếu ngươi đem mình ra chợ bán, ngươi chỉ có giá 20 đồng; nếu ngươi đem mình vào trong viện bảo tàng, ngươi liền có giá trị 2.000 đồng; nếu ngươi đem mình đặt ở tiệm đồ cổ, người có giá 20 vạn đồng! Nền tảng khác nhau, sẽ đặt định vị trí khác nhau, giá trị nhân sinh cũng sẽ vì đó mà hoàn toàn khác biệt!”
Câu chuyện này liệu có khiến bạn suy nghĩ về chính mình và tự hỏi, cuộc đời mình đang được đặt ở vị trí nào đây?
Bạn đã sẵn sàng đem cuộc đời mình bày biện ở phòng đấu giá nào chưa? Hay bạn muốn tìm một vũ đài như thế nào để cho bản thân mình phát triển?
Không sợ người khác coi thường, chỉ sợ bạn coi thường chính mình. Ai nói bạn không có giá trị? Trừ phi bạn đem mình giống như tảng đá kia, đặt trong đám bùn lầy. Không bất kỳ ai có thể quyết định cuộc đời của bạn sẽ ra sao. Bạn lựa chọn con đường như thế nào, thì bạn chính là quyết định cuộc đời mình như vậy.
Vì sao một ông chủ liên tiếp gặp khó khăn, cũng sẽ không dễ dàng buông xuôi, nhưng một công nhân hễ việc không thuận liền muốn bỏ việc. Vì sao một đôi vợ chồng liên tục cãi nhau, liên tục mẫu thuẫn, cũng sẽ không dễ dàng ly hôn; nhưng một đôi tình nhân bình thường hễ gặp một chuyện nhỏ lại có thể nhanh chóng đường ai nấy đi.
Nói cho cùng, bạn đang gặp một sự tình gì, trong một mối quan hệ đã được đầu tư nhiều hay ít bao nhiêu; sẽ quyết định bạn có thể chịu đựng bao nhiêu áp lực, có thể đạt được bao nhiêu thành công, có thể trụ vững bao lâu thời gian.
Người ta nói: Vĩ nhân, đại đa số là người có sức chịu đựng lớn vô cùng. Vì sao vậy?
Người bình thường không chịu nổi ủy khuất, cần phải được người khác động viên an ủi. Người bình thường đối với chuyện bất bình thì như muốn trút hết lòng tức giận, họ cần một bờ vai để khẽ dựa vào.
Còn bạn, hãy cố gắng làm được: Gặp bất cứ chuyện gì cũng sẽ mỉm cười, nhẹ nhàng bỏ qua, hơn nữa hãy làm một bờ vai để người khác dựa vào.
Hiếu Trang Hoàng Thái hậu từng nói với vua Khang Hi: “Tôn nhi, nước Đại Thanh mối nguy cơ không phải là thiên quân vạn mã ở bên ngoài. Mà nguy nan lớn nhất, chính là ở cái tâm của ngươi”.
Còn có đệ tử hỏi lão hòa thượng: “Sư phụ, ngài có lúc lại đánh người mắng người, nhưng có lúc lại nho nhã lễ độ với người khác. Điều này là vì sao vậy?”.
Sư phụ nói:
“Đối với người thượng đẳng lòng dạ ngay thẳng, thì có thể đánh có thể mắng, lấy chân diện mà đối đãi. Đối với người trung đẳng thì cần dùng phép ẩn dụ, cần giảng đúng mực, bởi hắn chịu không nổi trách mắng; Đối với người hạ đẳng thì cần mặt mỉm cười, hai tay hợp thập, bởi hắn rất yếu ớt, tầm mắt eo hẹp, chỉ nên dùng lễ tiết thế tục mà đối đãi.
Ngươi chịu được loại ủy khuất nào, thì sẽ quyết định ngươi trở thành loại người nào”.
Một người không biết bơi, cho dù có thay đổi bể bơi cũng không giải quyết được vấn đề;
Một người không biết làm việc, cho dù có thay đổi công việc thì cũng không giải quyết được năng lực của mình;
Một người không hiểu gì về tình yêu, thì có thay đổi bạn trai bạn gái cũng không giải quyết được điều gì;
Một người không biết trân quý gia đình, thì có đổi vợ đổi chồng vẫn vậy;
Một ông chủ không hiểu biết, tuyệt đối sẽ không kéo dài thành công.
Bản thân chúng ta là nguồn gốc của tất cả, vậy nên muốn thay đổi hết thảy, đầu tiên phải thay đổi chính mình!
Kỳ thực, dù yêu dù ghét, đều là chính bạn. Bạn thay đổi, thì hết thảy đều sẽ thay đổi.
Thế giới của bạn là do bạn sáng tạo ra; những gì của bạn hết thảy đều là do bạn sáng tạo ra.
Bạn là ánh mặt trời, thì thế giới của bạn sẽ tràn ngập ánh mặt trời ấm áp;
Bạn biết yêu thương, cuộc sống của bạn liền ngập tràn tình yêu thương và hạnh phúc.
Bạn nếu mỗi ngày đều phàn nàn, oán hận, soi xét, chỉ trích… thì cuộc sống của bạn sẽ tựa như trong địa ngục.
Một niệm lên Thiên đường, một niệm xuống Địa ngục. Trong lòng bạn đang như thế nào, thì cuộc sống của bạn chính là như vậy!