Dữ liệu mở có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới từ 3 -5 tỷ USD mỗi năm.
Dữ liệu mở bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia như thống kê quốc gia, ngân sách chính phủ, thời tiết, bản đồ… và các cơ sở dữ liệu địa phương như thông tin về an ninh trật tự, giao thông vận tải, giấy phép kinh doanh, cơ sở giáo dục… Hiện nay, có nhiều nguồn dữ liệu mở từ mạng xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp nhưng nguồn dữ liệu lớn và được sử dụng rộng rãi nhất là dữ liệu từ Chính phủ hoặc các tổ chức được hỗ trợ từ Chính phủ.
Đây được xem là nguồn lực mang tính toàn cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dữ liệu mở đang được xem là nguồn lực linh hoạt đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế quốc gia nói chung. Nó có thể giúp Chính phủ và doanh nghiệp trên khắp thế giới tìm kiếm các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế và đổi mới kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
15:20, 16/01/2018
10:44, 09/08/2017
00:00, 24/09/2014
Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu của Viện Mckinsey toàn cầu cũng chỉ ra dữ liệu mở (bao gồm cả dữ liệu Chính phủ và phi Chính phủ) có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới từ 3 -5 tỷ USD mỗi năm. Các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ các cơ sở dữ liệu mở là giáo dục, vận tải, tiêu dùng, điện, dầu, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ.
Theo TS. Lê Viết Quốc - chuyên gia đến từ Google Brain cho biết, chúng ta cần phải tìm cách tạo ra dữ liệu mở. Trước mắt, cần chú trọng vào các ngành y tế, giao thông, nông nghiệp,... TS. Lê Viết Quốc dẫn chứng tại Google trong một vài năm trở lại đây đã thay đổi quan điểm, để tạo ra nguồn dữ liệu mở ra toàn thế giới, thay vì giữ “khư khư” các công nghệ được đầu tư hàng triệu USD cho riêng mình.
“Mang công nghệ để đưa ra toàn thế giới khiến chúng tôi mất rất nhiều tiền, hàng trăm triệu USD, nhưng đây là một quyết định đúng đắn”, TS khẳng định. “Lý do là vì khi mang công nghệ để người ngoài có thể nhìn thấy, để nghiên cứu, tìm lỗi, nâng cấp,... thì công nghệ đó rồi sẽ quay lại Google với một phiên bản hoàn thiện hơn”.
Theo TS. Lê Viết Quốc, đây chính là cách đầu tư hợp lý, mang lại giá trị lâu dài, đạt mục tiêu đề ra là làm thế nào để có nhiều dữ liệu nhất. Cũng theo đại diện của Google, Việt Nam nên nghiên cứu cơ bản dàn trải, mở rộng mô hình nghiên cứu, chuyên đề của các viện đào tạo, viện nghiên cứu, đặt ra các thử thách.
“Tại Mỹ, một khái niệm gọi là “Grand Challenge” (thử thách lớn), được tổ chức dành cho các viện nghiên cứu, và thậm chí chính phủ đã tài trợ vốn cho các hoạt động này”, TS cho biết. “Nhờ đó mà nâng cao sự hợp tác, trao đổi kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm cho các tổ chức nghiên cứu hàng đầu”.
Một trong những khó khăn nữa hiện nay là làm sao để vừa sử dụng hiệu quả dữ liệu mở vừa bảo vệ thông tin cá nhân an toàn? Thực tế không thể đạt được cả hai mục tiêu một lúc bởi việc bảo vệ thông tin riêng tư chỉ đạt được trên một số bộ dữ liệu nhất định. Do đó, theo các chuyên gia cần cân đối giữa độ mở của dữ liệu và tính riêng tư của dữ liệu. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dùng và đầu tư vào các công nghệ cần thiết để bảo vệ dữ liệu mở. Tùy theo sự bí mật của dữ liệu, người ta sẽ quyết định có đưa bộ dữ liệu đó vào “mở” hay không, thậm chí khi đưa vào, nó có thể không được cung cấp nguyên bản hoặc được chia nhỏ để đảm bảo tính bảo mật tốt hơn.