Giá vàng quốc tế đã có những bước tiến tích cực trong 2 tuần qua do USD, lợi suất trái phiếu Mỹ giảm mạnh. Liệu giá vàng tuần tới có vượt 1.800USD/oz?
Giá vàng đã tăng tuần thứ hai liên tiếp khi liên tục phá vỡ các mức kháng cự ngắn hạn. Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã tăng từ mức 1.723USD/oz lên mức 1.783USD/oz, tăng khoảng 3% và đóng cửa tuần ở mức 1.776USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới, nhưng tốc độ tăng chậm hơn nhiều. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã tăng từ mức 55 triệu đồng/lượng lên mức 55,7 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng hơn 5 triệu đồng mỗi lượng.
Các số liệu kinh tế Mỹ được công bố gần đây cho thấy nền kinh tế nước này vẫn đang có xu hướng phục hồi tích cực, trong đó doanh số bán lẻ tháng 3 tăng tới 9,8%; các chỉ số PMI sản xuất, dịch vụ đều vượt xa ngưỡng 50 điểm… Đặc biệt, chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng mạnh lên mức 86,5 điểm trong tháng 3.
Tuy nhiên, các chỉ số lạm phát lại có dấu hiệu tăng mạnh trở lại do các gói kích thích kinh tế và nới lỏng định lượng của Mỹ. Theo đó, chỉ số CPI tháng 3 tăng tới 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2018 và cao hơn nhiều so với mức tăng 1,7% được ghi nhận trong tháng 2 vừa qua. Đáng chú ý, chỉ số kỳ vọng lạm phát của Đại học Michigan đã tăng lên mức 3,7% so với mức 3,1% ghi nhận trong tháng 2. Ngay cả Chủ tịch FED Powell cũng đã phải lên tiếng cảnh báo áp lực lạm phát đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại.
Áp lực lạm phát tăng mạnh đã và đang tác động tiêu cực đến USD và lợi suất trái phiếu Mỹ, khiến USD index giảm mạnh từ mức trên 93 điểm xuống chỉ còn 91 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm mạnh từ mức cao kỷ lục trên 1,7% xuống dưới 1,6%. Đây là một trong những lý do chính tạo lực đẩy cho giá vàng trong 2 tuần qua.
Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đang phục hồi mạnh mẽ khi GDP quý 1 của nước này đã tăng tới 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế tăng trưởng mạnh đã kích thích nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở nước này. Theo một số nguồn tin, nước này đã nhập khẩu khoảng 150 tấn vàng trong tháng 4. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ vàng ở Ấn Độ cũng đang tăng mạnh trở lại. Điều này đã hậu thuẫn cho đà tăng tích cực của giá vàng.
Tuy nhiên, các quỹ đầu tư ETFs trên thế giới vẫn chưa có xu hướng mua vàng trở lại. Từ đầu tháng 4 đến nay, SPDR- quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới, vẫn bán ròng hơn 10 tấn vàng. Do đó, đà tăng ngắn hạn của giá vàng chưa thực sự bền vững.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng giá vàng ngắn hạn vẫn đang được hậu thuẫn tích cực từ kỳ vọng lạm phát tăng mạnh và nhu cầu vàng vật chất gia tăng. Giá vàng vượt qua 1.800USD/oz chỉ còn là vấn đề về thời gian trong ngắn hạn. Tuy nhiên, để hình thành xu hướng tăng bền vững hơn trong ngắn hạn, giá vàng cần vượt qua mức kháng cự quan trọng 1.857USD/oz.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang có xu hướng phục hồi theo mô hình 2 đáy. Nếu vượt qua mức 1.804USD/oz (MA100), thì giá vàng tuần tới có thể tiếp tục tăng lên 1.815- 1.857USD/oz. Nếu đóng cửa trên 1.857USD/oz (MA200), thì giá vàng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Trong khi đó, mức 1.677USD/oz vẫn đang là mức hỗ trợ quan trọng.
Các thông tin quan trọng được công bố trong tuần tới là kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ của NHTW Châu Âu (ECB); doanh số bán nhà mới, chỉ số PMI sản xuất của Mỹ. Ngoài ra, các thông tin liên quan đến gói kích thích kinh tế trị giá 2.300 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Biden cũng thu hút sự quan tâm của thị trường…
Có thể bạn quan tâm