Giá xăng dầu thế giới và lạm phát Việt Nam

Tiến sĩ PHẠM CÔNG HIỆP, Giảng viên cấp cao, Giám đốc chương trình Cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT 26/03/2022 05:00

Việc giá dầu tăng cao sẽ gây ra lạm phát do chi phí đẩy bởi vì năng lượng là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành trong nền kinh tế.

>>Vận tải Đà Nẵng đau đáu nỗi lo giá xăng, dầu tiếp tục tăng

>>Xây dựng và sử dụng công cụ phái sinh để ứng phó biến động xăng dầu

Tiến sĩ PHẠM CÔNG HIỆP, Giảng viên cấp cao, Giám đốc chương trình Cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT

Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Giảng viên cấp cao, Giám đốc chương trình Cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT

Tâm lý kém lạc quan dù lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát

Chỉ số tiêu dùng bình quân hai tháng đầu năm nay tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái, tức là vẫn nằm trong mức lạm phát mục tiêu dưới 4% của Chính phủ cho năm 2022. Điều này có nghĩa là nó vẫn nằm trong mức cho phép, chưa gây tác động xấu quá mức đối với nền kinh tế và đời sống của người dân.

Tuy nhiên, trong sinh hoạt hàng ngày, người tiêu dùng đều nhận ra những lo ngại đang ngày một tăng lên về vấn đề lạm phát: Giá xăng tăng gần 50% so với cùng kì năm ngoái, có những nơi bình gas 12kg tăng giá từ 370.000 lên 500.000 VND, đường cát trắng tăng từ 18.000 lên 30.000 đồng/kg, dầu ăn tăng giá 23%...

Với người dân, lạm phát chỉ đơn giản là giá tăng hay giảm. Nếu ngày sau tiền mua đồ ăn thức uống cao hơn ngày trước, tháng sau chi tiêu tốn kém hơn tháng trước là họ lo lắng.

Thực chất, những lo ngại của người tiêu dùng không phải là không có căn cứ. Đầu tiên, sự lo ngại này có thể là do tâm lý của người tiêu dùng khi nhìn vào những nền kinh tế lớn hơn như Mỹ, Australia hay các nước châu Âu, những nơi đang phải đối phó với vấn nạn lạm phát tăng rất cao trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, lạm phát ở Australia dự đoán ở mức 5%, cao nhất trong một thập kỉ. Nó dấy lên lo ngại rằng rồi sẽ đến lúc Việt Nam cũng phải đối mặt với chỉ số lạm phát cao như vậy.

Thêm nữa, đó là do những căng thẳng giữa Nga và Ukraine tác động trực tiếp đến giá năng lượng, đặc biệt là xăng dầu, chi phí logistics, giao thương. Chí phí logistics xuất khẩu gia tăng đáng kể, đặc biệt xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, hay với các nước châu Âu khác. Các dự án đầu tư liên quan đến Nga, Ukraine sẽ bị đình trệ nghiêm trọng, du lịch từ các nước này cũng bị ảnh hưởng.

Nhưng đáng lưu ý hơn cả, việc tiêu thụ xăng dầu đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của rất nhiều hàng hóa tiêu dùng. Do đó, việc giá xăng dầu tăng cao thường khiến các sản phẩm tiêu dùng khác phải tăng giá theo. Điều đó tác động ngay lập tức đến chi tiêu của từng hộ gia đình. Và khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những lo lắng của người tiêu dùng về các vấn đề lạm phát vẫn sẽ chưa được chấm dứt.

>>Áp dụng nhiều giải pháp để duy trì nguồn cung xăng dầu

>>Kiểm soát giá xăng dầu: Cần sự phối hợp đồng bộ

Giá xăng dầu tăng

Việc tiêu thụ xăng dầu đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của rất nhiều hàng hóa tiêu dùng.

Giá xăng dầu tăng gây lạm phát do chi phí đẩy

Việc giá dầu tăng cao sẽ gây ra lạm phát do chi phí đẩy bởi vì năng lượng là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành trong nền kinh tế. Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỉ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37% theo Tổng cục thống kê. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Như vậy, giá xăng dầu là yếu tố trực tiếp và rõ ràng nhất có thể thấy tác động đến lạm phát, giá cả tăng cao tại thời điểm này.

Theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5%. Cụ thể, đối với ngành vận tải, giá thành sẽ tăng 3,5-4,0% và ngành thủy sản đánh bắt xa bờ sẽ tăng 5-6%. Còn đối với tiêu dùng, nhu cầu xăng dầu của các hộ gia đình không chỉ làm tăng thêm chi tiêu về xăng dầu cho việc đi lại hàng ngày, mà còn bị tác động thêm bất lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng do tác động của giá xăng dầu tăng.

Cũng theo ông Lâm, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỉ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Chính vì thế, giá cả của hầu hết mặt hàng sẽ chịu tác động do chi phí đầu vào tăng cao. Năm 2008, chúng ta cũng đã chứng kiến rất rõ tác động trên khi giá dầu lập đỉnh kỷ lục 148 USD/thùng và lúc đó giá cả hàng hóa ở Việt Nam tăng phi mã, lạm phát lên tới hai con số.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam cũng phải chịu áp lực lạm phát từ sự gia tăng đột biến của tổng cầu trong giai đoạn hậu COVID-19 trong khi chuỗi cung ứng chưa ổn định và nguồn cung hạn chế, dẫn đến khả năng khó đáp ứng mức tăng lớn của tổng nhu cầu từ người tiêu dùng.

Mặt khác, nền kinh tế Việt đang phục hồi, doanh nghiệp đang rộn ràng quay trở lại hoạt động sản xuất. Nếu tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra cũng là một yếu tố khá quan trọng tác động tới lạm phát. Bởi thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí để tuyển dụng, đào tạo lao động.

Đối phó với giá cả và lạm phát tăng

Chúng ta có thể hạn chế tối đa các cú sốc từ bên ngoài bằng cách chủ động nguồn cung trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng như tập trung phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh căng thẳng thế giới leo thang. Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc quản lý chuỗi cung ứng, đặt hàng sớm khi giá còn chưa tăng cũng như tìm các nguồn hàng thay thế nếu như giá cả các nguyên liệu đầu vào gia tăng. Tuy nhiên không nên đầu cơ tích trữ bởi điều này có thể làm cho tình hình lạm phát càng nghiêm trọng hơn.

Người dân cũng cần có kế hoạch tiêu dùng hợp lý và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các kịch bản xấu hơn nếu như lạm phát gia tăng. Nhưng cũng tương tự như trên, chúng ta cũng nên bình tĩnh ứng phó và có kế hoạch hợp lý hơn là gom hàng tích trữ có thể gây nên lực cầu đột biến và làm giá cả hàng hóa tăng vọt. 

Một xu hướng quan trọng là chuyển hướng sang sử dụng năng lượng sạch và bền vững trong sản xuất và đời sống. Nguồn điện gió, mặt trời, xe chạy điện, trang thiết bị sản xuất sử dụng tiết kiệm năng lượng cũng như tự đảm bảo nguồn cung năng lượng cho sản xuất sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ khủng khoảng xăng dầu như hiện nay. Người dân nên xem xét phương tiện di chuyển để thay đổi hành vi sử dụng năng lượng, giảm được chi phí không cần thiết. Ví dụ: chuyển sang phương tiện dùng năng lượng sạch và tái sử dụng như xe điện hay xe đạp, giảm việc di chuyển không cần thiết, và kết hợp nhu cầu di chuyển như đi xe chung, xe buýt công cộng. 

Giải pháp cho mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022

Trong ngắn hạn, Chính phủ có thể hạn chế cung tiền cũng như giảm quy mô các gói kích cầu hiện tại để hạn chế phần nào lạm phát trong giai đoạn này. Bên cạnh đó cần phải gia tăng kiểm tra vốn đầu tư công, tránh lãng phí, giám sát các doanh nghiệp nhà nước chặt chẽ, nhất là các đơn vị trong ngành năng lượng, nguyên vật liệu để hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ tích trữ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và an sinh xã hội.

Nhà nước cũng cần thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ, kiểm soát linh hoạt yếu tố gây biến động giá xăng dầu để giảm thiểu tác động xấu đối với tăng trưởng và lạm phát. Ngoài ra, việc xuất khẩu dầu thô cũng sẽ gia tăng đáng kể cho ngân sách Chính phủ năm nay khi giá dầu đang tăng giá mạnh. Vì vậy, Nhà nước có thể dùng một phần tiền này để giảm phí thuế trên giá xăng dầu hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước để hạn chế lạm phát.

Giảm thuế, phí với xăng dầu cũng là một nỗ lực cần thiết từ chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát. Trong mức lạm phát 1,68% của hai tháng đầu năm nay, việc tăng giá xăng dầu đã đóng góp tới 1,63 điểm phần trăm. Ngoài ra, thu ngân sách Nhà nước sau hai tháng đầu năm đạt gần 23% dự toán và tăng hơn 10% so với cùng kỳ nên việc giảm thuế, phí với xăng dầu là điều cấp thiết.

Do đó, Chính phủ nên cân nhắc việc tính toán lại các loại thuế phí liên quan đến xăng dầu, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường. Theo thông tin mới nhất thì từ 1/4/2022, mỗi lít xăng sẽ giảm 2.000 đồng do việc giảm phí môi trường và thuế. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước, tăng dự trữ xăng dầu nhập khẩu để điều tiết khi cần.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị quyết về hoạt động chất vấn: Cân đối cung cầu xăng dầu, rà soát Luật Đấu giá tài sản

    14:14, 24/03/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới

    20:28, 23/03/2022

  • Không để bị động trong điều tiết thị trường xăng dầu

    04:00, 19/03/2022

  • Quảng Nam: Doanh nghiệp xăng dầu bức xúc vì yêu cầu lạ của doanh nghiệp du lịch

    10:53, 18/03/2022

  • Đích đến của bình ổn giá xăng dầu

    20:12, 17/03/2022

  • Xây dựng và sử dụng công cụ phái sinh để ứng phó biến động xăng dầu

    05:30, 17/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá xăng dầu thế giới và lạm phát Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO