Trong điều kiện kinh doanh khó khăn ngay cả phần trả nợ vốn vay dài hạn, lãi vay dài hạn cũng cần được quan tâm, kéo dài thời gian ân hạn...
Theo số liệu thống kê, tháng 1/2020 kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt 2,85 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2019 là 3,7 tỷ USD. Lý do kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ giảm là do tháng 1/2020 có kỳ nghỉ tết kéo dài 7 ngày, trong khi năm 2019 kỳ nghỉ tết rơi vào tháng 2 nên lượng kim ngạch xuất khẩu có sự khác biệt. Trong tháng 2/2020 kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt 2,45 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2019 là 1,8 tỷ USD.
“Bắt mạch” quý I xuất khẩu dệt may
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, 2 tháng đầu năm 2020 là lần đầu tiên sau 5 năm trở lại đây (từ 2015) kim ngạch xuất khẩu giảm 3%. Chúng ta chỉ đạt 5,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong khi đó, thông lệ các năm trước 2 tháng đầu năm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là 10%. Cá biệt năm 2018, 2 tháng đầu năm xuất khẩu của ngành tăng trưởng tới 20%.
Trong 3,5% giảm kim ngạch xuất khẩu của dệt may 2 tháng đầu năm nay thì quần áo giảm 2,3%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,2 tỷ USD; xuất khẩu sợi giảm tới 16%. “Tức là ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu của COVID - 19 là khá nghiêm trọng”, ông Trường nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Vinatex, kim ngạch xuất khẩu quần áo giảm một phần do cầu giảm nhưng nguyên nhân chính là do chúng ta không có đầy đủ nguyên liệu từ các nước nguồn cung cấp lớn đặc biệt từ thị trường Trung Quốc nên sản lượng 2 tháng đầu năm cũng giảm.
Với ngành sợi, xuất khẩu sợi trong hai tháng đầu năm 2020 đạt 512 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức giảm khá sâu do các nhà máy tại Trung Quốc dệt vải từ sợi nhập khẩu từ Việt Nam mở cửa chậm từ 10-15 ngày do dịch COVID -19.
Song theo ông Trường, đến tháng 3 này tình hình có khả quan hơn. Tính đến trung tuần tháng 3, nguyên vật liệu ngành dệt may đã cung ứng trở lại tương đối đủ nên các nhà máy đã có đủ nguyên liệu cơ bản cho sản xuất tháng 3 và tháng 4/2020. Tuy nhiên, rủi ro hiện nay là kinh tế thế giới bị suy giảm do dịch COVID -19 nên tổng cầu thế giới giảm, sẽ gây khó khăn cho đơn hàng và cả đơn giá hàng hóa trong 6 tháng cuối năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
04:37, 17/12/2019
03:05, 25/10/2018
05:10, 05/09/2018
07:13, 16/05/2018
04:12, 24/01/2018
Giải pháp căn cơ
Nhận định về tình hình ngành dệt may thời gian qua, đại diện Vinatex cho rằng, ngành dệt may trong tháng 2,3 đã tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước về phòng, chống dịch COVID-19 đây cũng là phần đơn hàng giải quyết năng lực sản xuất cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động. “Nhìn chung, từ sau Tết âm lịch đến nay, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng chưa có hiện tượng thiếu việc làm, phải nghỉ việc. Kim ngạch xuất khẩu dù giảm nhưng bù lại doanh số nội địa của mặt hàng khẩu trang trong nước”, ông Trường nói.
Thừa nhận chịu tác động từ dịch COVID-19, theo lãnh đạo Vinatex, chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu có sự chậm trễ về nguồn hàng như quá trình giao hàng, hoàn thành đơn hàng, thực hiện thanh toán của các đơn hàng trong ngành đều bị trải dài hơn, vì thế vòng quay vốn lưu động của các doanh nghiệp sẽ bị dài ra. Do đó hỗ trợ từ chính phủ, ngân hàng… là rất cần thiết. Trước mắt đó là các ngân hàng thương mại tham gia giãn dài vòng quay vốn lưu động, giúp doanh nghiệp không bị nợ quá hạn vốn lưu động.
Cùng quan điểm trên, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Chiến Thắng cho rằng, trong điều kiện kinh doanh khó khăn ngay cả phần trả nợ vốn vay dài hạn, lãi vay dài hạn cũng cần được quan tâm, kéo dài thời gian ân hạn, tránh cho doanh nghiệp không chịu áp lực quá lớn về dòng tiền.
“Như vậy có thể giúp doanh nghiệp dồn toàn lực về tài chính để tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, thay thế nguồn cung ứng nguyên liệu, giữ được thị trường cho xuất khẩu, việc làm…” Bà Ty nói.
Chính phủ đã có chương trình hoãn thuế, cho phép chậm nộp thuế, lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp… song ông Trường nhấn mạnh, những chính sách này cần được triển khai nhanh, có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp đăng ký, tạo niềm tin rằng doanh nghiệp chắc chắn được hưởng các chính sách này. Từ đó, doanh nghiệp có kế hoạch phân tích, cân đối dòng tiền để đảm bảo yên tâm trong sản xuất để vượt qua thời kỳ khó khăn của dịch bệnh.
Cụ thể hơn, ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP DamSan bộc bạch: Những hỗ trợ trên đều này liên quan tới việc triển khai của các ngân hàng thương mại, cơ quan thuế từ TƯ cũng như địa phương… nên những hướng dẫn này cần rất minh bạch, dễ tiếp cận với doanh nghiệp được thụ hưởng. Mặt khác, khi đã bị chậm trễ về nguyên vật liệu thì thời gian sản xuất còn rất ngắn nên doanh nghiệp mong muốn thời gian giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu rút ngắn hơn sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được đơn hàng.