Hiện vẫn còn tồn tại một số rào cản nhất định trong việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã đưa ra những cải cách mạnh mẽ về chính sách thu hút đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, hạ tầng công cộng của Việt Nam chưa thực sự đồng bộ và hoàn thiện. Hiện tại, nhiều tuyến đường không đáp ứng kịp tốc độ phát triển công nghiệp, dẫn đến khó khăn trong lưu thông vận chuyển hàng hoá của doanh nghiệp.
Thứ hai, vấn đề thiếu hụt lao động chất lượng cao ở một số địa phương gây khó khăn cho doanh nghiệp khi cần sử dụng lượng lao động lớn đã qua đào tạo.
Thứ ba, những rào cản về pháp lý, đơn cử như việc Luật Đất đai không cho phép nhà đầu tư dùng đất thuê lại trong khu công nghiệp làm tài sản đảm bảo để thu xếp nguồn vốn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Đối với việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI thì việc thiếu hụt doang nghiệp phụ trợ là một rào cản lớn nhất hiện nay.
Mặc dù chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đã rất rõ ràng, đồng thời Chính phủ đã có những chính sách rất tốt và khuyến khích đầu tư nước ngoài, do xác định đầu tư nước ngoài có đóng góp quan trọng trong tỷ trọng tăng trưởng GDP của đất nước. Tuy vậy, quan điểm này đôi khi chưa thấm đến tư duy và hành động của cấp quản lý cơ sở. Ở nhiều chỗ, nhiều nơi vân còn hiện tương gây khó dễ với nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, có một thực trạng hiện nay là việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và người nước còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước vẫn rất hạn chế. Điểm đáng lo ngại về doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là kết nối chưa thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguyên nhân của thực trạng trên trước tiên là vì nội lực của doanh nghiệp Việt yếu nên chưa tranh thủ được ngoại lực. Bên cạnh đó là do thủ tục hành chính còn rườm rà, các chính sách đầu tư, chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ chưa có tác động đủ mạnh.
Qua 15 năm phát triển với những kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp, tôi thiết nghĩ, trước nhu cầu hội nhập và phát triển, nhằm bắt kịp với xu thế toàn cầu và thúc đẩy mối liên kết với các doanh nghiệp FDI, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải biết nắm bắt thời cơ, xây dựng thương hiệu, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học và sản xuất – kinh doanh, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, có phương pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến và vận hành chuyên nghiệp, hướng tới chuẩn mực toàn cầu. Trong đó, việc nắm bắt công nghiệp sản xuất tiên tiến và quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập là việc làm tiên quyết.
Tiếp theo, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tạo dựng mối liên kết thường xuyên và hoạt động kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp FDI bằng cách tham gia tích cực vào hoạt động kết nối doanh nghiệp của Chính phủ, các tổ chức, tham gia hiệp hội và doanh nghiệp trong và ngoài nước, chủ động gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp FDI có nhu cầu liên kết, hợp tác.
Đa số các doanh nghiệp FDI hiện nay, nằm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, nên doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tính dến bài toán lựa chọn địa điểm đầu tư sản xuất phù hợp, nhằm kết nối được một cách chặt chẽ và nhanh chóng nhất với khu vực doanh nghiệp FDI. Hiện rất nhiều doanh nghiệp FDI có mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam làm vệ tinh cho mình, nhưng còn thiếu thông tin. Việc quảng bá, trao đổi thông tin liên kết cũng là việc làm cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập.
Môi trường pháp lý thuận lợi là nhân tố thiết yếu đối với sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt cần linh hoạt trong việc tiếp cận và thực thi các quy định nhằm giảm thiểu các rào cản đối với sự hợp tác hiệu quả giữa các công ty trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty nước ngoài. Họ sẽ không thể tham gia chuỗi cung ứng quốc tế khi không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về đạo đức kinh doanh cũng như tiếp cận nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế.