Trong bối cảnh còn nhiều biến động, việc điều hành lãi suất linh hoạt và chủ động của NHNN sẽ đóng vai trò quyết định, nhằm giữ vững sự ổn định của nền kinh tế trong năm 2025.
Theo nhiều chuyên gia, nhiều khả năng NHNN sẽ duy trì chính sách lãi suất thấp trong năm 2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngay từ tháng 1/2025, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, đặc biệt ở các kỳ hạn dài như Agribank, Bac A Bank, NCB, MBV, Eximbank (tăng lãi suất hai lần), KienlongBank (tăng lãi suất hai lần), VietBank, ABBank, BaoViet Bank… Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Techcombank cũng gia nhập làn sóng này.
So với các ngân hàng tư nhân, nhóm Big 4 gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV duy trì lãi suất huy động ở mức thấp hơn đáng kể. Điều này phản ánh sự khác biệt trong chiến lược huy động vốn giữa các ngân hàng, khi nhóm ngân hàng tư nhân có xu hướng điều chỉnh lãi suất nhanh hơn để đảm bảo nguồn vốn ổn định.
Việc lãi suất huy động tăng không chỉ xuất phát từ nhu cầu vốn đầu vào của các ngân hàng mà còn phản ánh những áp lực thanh khoản trên thị trường. Sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với các chương trình đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đã tạo sức ép lên nhu cầu tín dụng. Trong bối cảnh này, các ngân hàng phải gia tăng huy động vốn để đảm bảo khả năng đáp ứng các khoản vay, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng, sản xuất và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, sự biến động của đồng USD cùng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất trong nước. Nếu FED chưa vội giảm lãi suất, áp lực duy trì lãi suất cao tại Việt Nam sẽ tiếp tục kéo dài, gây ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ của NHNN.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính, ngay từ đầu năm 2025, các ngân hàng thương mại cần nguồn vốn lớn để thực hiện kế hoạch tín dụng cả năm nay. Do đó, việc NHNN nới hạn mức tín dụng nhằm thúc đẩy cho vay sẽ khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động để đảm bảo thanh khoản. Điều này tạo nên áp lực kép: vừa phải cân đối cung - cầu vốn, vừa phải duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu còn nhiều biến động, sự linh hoạt và chủ động trong chính sách tiền tệ của NHNN sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giữ vững sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
Có thể thấy trong những năm qua, NHNN đã có những bước điều chỉnh chính sách lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Đặc biệt trong giai đoạn 2023-2024, lãi suất đã được giữ ở mức thấp để khuyến khích tín dụng và tăng trưởng kinh tế, dù vậy nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn do sức cầu yếu, dòng tiền eo hẹp và áp lực nợ nần gia tăng.
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều khả năng NHNN sẽ duy trì chính sách lãi suất thấp trong năm 2025. Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất không còn rộng mở, do lãi suất đã chạm đáy trong nhiều năm liên tiếp. Việc giảm lãi suất quá mức có thể tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối và đẩy lạm phát lên cao. Cụ thể là nguy cơ dòng vốn ngoại rút khỏi Việt Nam có thể gia tăng, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Do đó, việc cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá sẽ là bài toán thách thức cho NHNN trong năm nay.
Dự kiến trong năm 2025, NHNN sẽ duy trì chính sách lãi suất theo hướng ổn định hoặc tăng nhẹ, khó có khả năng giảm thêm lãi suất điều hành trong năm nay. Doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch tài chính linh hoạt, tối ưu hoá dòng tiền và giảm phụ thuộc vào tín dụng. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế và linh hoạt điều chỉnh chính sách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng bền vững.