Mục tiêu trở thành ngành kinh tế mạnh theo qui hoạch đến 2020 và tầm nhìn 2025 đối với ngành công nghiệp nhựa đang gặp rất nhiều thách thức khi nguồn nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu 80%.
Gần một thập kỷ vừa qua, ngành nhựa đã có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt từ 15-20%/năm. Năm 2017, doanh thu đạt khoảng 15 tỷ USD (tương đương trên 340.000 tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành), xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD . Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2018, doanh thu ngành nhựa ước tính đạt khoảng trên 15 tỷ USD (tăng khoảng 16,7%% so với cùng kỳ năm 2017), xuất khẩu đạt khoảng 2,78 tỷ USD (tăng 29% so với cùng kỳ).
Nếu so sánh doanh thu hiện tại với mục tiêu quy hoạch phát triển ngành nhựa đến 2020 tầm nhìn 2025 (theo Quyết định 2992/QĐ-BTC của Bộ Công Thương ngày 17/6/2011) đề ra đạt giá trị sản xuất năm 2020 là 181.000 tỷ đồng, thì kết quả đạt được của ngành nhựa đã cao gấp gần 2 lần mục tiêu.
Mặc dù tăng trưởng cao, song theo ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành nhựa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, do phải nhập khẩu 80% nguyên liệu đầu vào. Hiện mỗi năm ngành nhựa nhập khẩu 4-5 triệu tấn nguyên liệu, tiêu tốn khoảng 6-7 tỷ USD, trong khi xuất khẩu mới đạt 2,5 tỷ USD.
Do phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, ngành nhựa đang thâm hụt thương mại rất lớn. Điều này dễ dẫn đến rủi ro khi giá nguyên liệu thế giới cũng như tỷ giá hối đoái USD/VND biến động theo hướng bất lợi, tác động tiêu cực tới hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cái gốc nguyên liệu đầu vào cho ngành nhựa là các sản phẩm đầu ra từ ngành công nghiệp lọc hóa dầu. Trong khi đó, lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam phát triển còn rất non trẻ. Dù hai dự án lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã hoạt động, nếu phát huy hết công suất, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, cũng mới chỉ cung cấp được khoảng 30% nguyên liệu PP (khoảng 700.000 tấn/năm, trong khi nhu cầu PP là trên 2 triệu tấn).
Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam có qui mô lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu tuy đã khởi công, nhưng dự kiến phải đến 2022 mới hoàn thành, khi đó cũng mới có thể cung cấp được cơ bản nguồn nguyên liệu PP, các loại khác vẫn phải nhập khẩu.
Ngoài các dự án lọc hóa dầu, quy hoạch ngành nhựa đã đề ra giai đoạn 2016-2020 đầu tư xây dựng hàng chục dự án sản xuất nguyên liệu polyvinyl Clorua E (PVC - E), PE, PS, Polyeste, Melamine, PTA, PolyStyren… cho ngành nhựa, nhưng cho đến nay hầu hết chưa hề khởi động.
Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, để ngành nhựa sớm chủ động được nguồn nguyên liệu, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lọc hóa dầu, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng, đủ sức hấp dẫn huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước tập trung đầu tư các dự án sản xuất nguyên liệu, bán thành phẩm, hóa chất, phụ gia… cho ngành nhựa ở trong nước.
Ngoài ra, phát triển lĩnh vực tái chế phế liệu cũng là một hướng đi góp phần giải quyết nguyên liệu đầu vào với giá rẻ, đặc biệt khi Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là đứng thứ 5 thế giới về rác thải nhựa. Trong quy hoạch ngành nhựa đến 2020 tầm nhìn 2025 đã có định hướng này, nhưng đến nay chưa thực hiện được gì.
Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, nếu Chính phủ có chính sách khuyến khích mang tính lâu dài, nhiều doanh nghiệp nhựa sẽ bỏ vốn đầu tư công nghệ hiện đại ưu tiên tái chế phế liệu trong nước trước, sau đó mới nhập khẩu.