Nghiên cứu - Trao đổi

Giải bài toán phát triển đô thị bền vững

Yến Nhung 14/12/2024 04:00

Phát triển đô thị xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, nhằm giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách và hướng tới sự phát triển bền vững.

Những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam cũng diễn ra mạnh mẽ, nhưng đi kèm đó là những thách thức, áp lực về nguồn cung tài nguyên, an ninh năng lượng, gia tăng chất thải... làm biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến môi trường sống. Giải pháp phát triển đô thị xanh, bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, để bảo đảm sự hài hòa và cũng là chủ trương, chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong quá trình tăng trưởng kinh tế.

dothihoa.jpg
Phát triển đô thị xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu - Ảnh: ITN

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, những năm qua, Việt Nam là một trong số các quốc gia luôn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cùng với tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng diễn ra nhanh với mức tăng bình quân hàng năm trên 1%, nhưng kéo theo là những áp lực về nguồn cung tài nguyên, an ninh năng lượng, gia tăng chất thải, tác động đến môi trường và gia tăng các ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu.

Đứng trước những thách thức toàn cầu và của quốc gia, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê, đến hết quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt khoảng 500 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu mét vuông, đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định 280/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (đến năm 2025 đạt 80 công trình xây dựng; đến năm 2030 đạt 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả).

Ngoài việc tăng nhanh về số lượng, công trình đạt chứng nhận công trình cũng được mở rộng sang nhiều loại hình, bao gồm cả công trình có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu; nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dich vụ, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho dự án công trình xanh còn nhiều hạn chế...

12023110819295220241109101150.jpg
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển công trình xanh, thời gian tới cần sự phối hợp của các bộ, ngành - Ảnh: ITN

“Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển công trình xanh, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh trong đó có các dự án công trình xanh; quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh; nghiên cứu đề xuất quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng vào nội dung dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm 2025...”, Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho hay.

Cùng chung quan điểm, TS-KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, chuyển đổi xanh công trình xây dựng cần phải được ráo riết thực hiện bằng những chương trình theo định hướng cụ thể, rõ ràng và có định lượng, việc đánh giá phải được ràng buộc pháp lý chặt chẽ.

“Công trình xanh thì phải thỏa mãn những yếu tố thân thiện môi trường, gắn với xã hội và con người về mặt nhân văn. Kiến trúc xanh thỏa mãn yêu cầu thẩm mỹ và công năng tốt, giải quyết hiệu quả về tính bản sắc, tiên tiến về hình thái – nội dung, đạt hiệu ứng rõ ràng về đáp ứng tính bản địa gắn với phong tục tập quán địa phương”, TS-KTS Phan Đăng Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, về phát triển kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải rắn theo hướng để phát triển đô thị xanh, TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay vẫn còn những hạn chế như thiếu hướng dẫn cụ thể về kinh tế tuần hoàn, định mức chi phí tái chế, quy trình kỹ thuật. Thủ tục cấp phép phức tạp, quy định về lò đốt bất hợp lý, cùng với hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả phân loại rác. Hơn nữa, nhận thức của chính quyền và người dân còn hạn chế, thiếu liên kết giữa các địa phương, bất cập trong quản lý chất thải nhựa và khó khăn trong xã hội hóa đầu tư.

Để cải thiện, ông Thắng kiến nghị, cần hoàn thiện chính sách về kinh tế tuần hoàn, ban hành các thông tư hướng dẫn, cập nhật quy hoạch điện và quy hoạch tỉnh. Địa phương cần chủ động xây dựng đề án quản lý chất thải, đầu tư hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy tài chính xanh và xã hội hóa. Theo đó, cần hoàn thiện quy định về thuế, phí chất thải nhựa, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và nhân rộng mô hình phân loại rác hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải bài toán phát triển đô thị bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO