Rất khó cho nhà quản lý khi các doanh nghiệp Nhà nước đề nghị có chính sách "ứng cứu" riêng, song để mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật, điều quan trọng nhất vẫn là minh bạch.
Tại cuộc họp của SCIC, Chủ tịch HĐTV SCIC, ông Nguyễn Đức Chi cho biết SCIC chủ động đề xuất được đầu tư vào Vietnam Airlines (HoSE: HVN). Ông Chi nhận định tình hình của hãng hàng không này đang khó khăn về tài chính, thiếu hụt dòng tiền. Do đó, SCIC đang trình các cơ quan chức năng tham gia góp vốn và tái cấu trúc Vietnam Airlines. “Đây là một trong nhiều mong muốn của chúng tôi và nếu thành công có thể đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng”, người đứng đầu SCIC khẳng định.
Trước đó, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ trình phương án hỗ trợ VNA theo hướng giải cứu bằng việc thông qua ngân hàng nhà nước sử dụng các nguồn vốn dự trữ và cơ chế tái cấp vốn qua các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng chính sách cho phép VNA được vay khoản ưu đãi với quy mô 12.000 tỉ đồng lãi suất 0% tối thiểu trong 3 năm.
Trường hợp không thực hiện được, Ủy ban đề xuất xem xét, báo cáo các cấp có thẩm quyền cho phép VNA được vay vốn các ngân hàng thương mại theo phương án lãi suất 0% tối thiểu 3 năm với 12.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định 40/2020/NĐ-CP, việc cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi chỉ cấp cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách… không cấp bù chênh lệch lãi suất cho các doanh nghiệp.
Đây là một trong những vướng mắc mà DĐDN đã thông tin TẠI ĐÂY
Nhưng ngoài Vietnam Airlines, nhiều Tập đoàn Tổng công ty Nhà nước cũng đang do COVID-19, đệ trình các đề xuất ứng cứu, hỗ trợ, cần được “bú sữa mẹ” để qua cơn khốn khó. Giải quyết cho đơn vị này mà không ứng cứu đơn vị kia thì quá khó. Mà giải cứu tất thì nguồn lực không đủ và hơn thế cũng là tiếp tay cho can thiệp méo mó thị trường.
Giải pháp mà Vietnam Airlines đề xuất, đặc biệt trong nỗ lực thương thảo cùng SCIC – đại diện quản lý vốn Nhà nước và vẫn đang còn dư tiền mặt lớn – có phù hợp hay không và trách nhiệm ràng buộc của các bên đối với nợ trái phiếu nếu Chính phủ bảo lãnh phát hành để tăng nguồn lực?
Đây là một trong những vướng mắc mà DĐDN đã thông tin TẠI ĐÂY
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông việc SCIC có ý định rót vốn Nhà nước vào một hãng hàng không mà nhà nước đang nắm giữ 86,19% vốn điều lệ không thỏa mãn bất cứ cơ sở pháp lý nào, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội nêu rõ: “… không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn….”.
Vì vậy nếu SCIC đầu tư mua cổ phiếu VNA là đi ngược lại với nghị quyết của Quốc hội.
Thứ hai, Nghị định 151/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quy định rõ: “Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, VNA thời điểm hiện tại đang nợ nần chồng chất, năm 2020 dự kiến thua lỗ khoảng 16 nghìn tỷ đồng.
Nếu SCIC đầu tư vào VNA thời điểm này thì trái với cơ chế hoạt động do Chính phủ quy định.
Thứ ba, thẩm quyền phê duyệt đầu tư của SCIC phải tuân thủ theo các mức, tham chiếu theo quy định hạn mức các dự án nhóm B theo quy định tại Điều 8, 9 Luật Đầu tư công.
Nếu chiếu theo quy định này, thì việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines (nếu có) là ngoài danh mục các dự án nhóm B và trái với Luật Đầu tư công. Đó còn chưa tính đến việc SCIC chưa có chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2016-2020.
Thứ tư, theo quy định của Luật Chứng khoán hiện nay thì VNA không đủ điều kiện để phát hành trái phiếu ra công chúng, theo Luật quản lý nợ công thì VNA cũng không đủ điều kiện để được chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu ra công chúng hoặc bảo lãnh các khoản vay của VNA.
Thứ năm, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đang là đại diện cho phần vốn của nhà nước tại VNA, vậy trong trường hợp VNA phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu có nghĩa là chỉ Ủy ban quản lý vốn nhà nước và các cổ đông mới có quyền mua, vậy SCIC sẽ không có tư cách để mua thay cho cổ đông hiện hữu được nếu không thông qua đấu giá số cổ phiếu này, nếu mua thông qua thỏa thuận thì nguyên tắc “giá thị trường” sẽ được tính toán ra sao?
DĐDN đã thông tin TẠI ĐÂY
Nói như TS Trần Sĩ Chương, Nhà nước khó có thể "giải cứu" tràn lan. Vì vậy, để giải cứu doanh nghiệp, trước tiên cần ưu tiên các doanh nghiệp, ngành nghề có lao động đông đảo nhất. Đảm bảo lao động là đảm bảo xã hội ổn định thì mới nói chuyện kinh tế ổn định. Thứ hai, ưu tiên các doanh nghiệp, ngành nghề có tính chiến lược an ninh quốc gia, có thể đảm bảo không để lệ thuộc hơn nữa đối với nguồn cung bên ngoài khi kinh tế phục hồi, hướng đến làm sao có thể tự thân, thoát lệ thuộc dù đó là bất kỳ khu vực, thị trường nào. Thứ ba, cắt giảm những khoản, mục đầu tư về hạ tầng và nghiên cứu mà có giá trị lâu dài chưa cần gấp, chưa có tác động ngay với nền kinh tế để tập trung giải cứu doanh nghiệp. Nguồn này sẽ được tạo thành quỹ giải cứu doanh nghiệp.
Thứ tư, quản lý và giải ngân quỹ giải cứu doanh nghiệp cần có một Hội đồng cấp nhà nước về giải cứu doanh nghiệp với người đứng đầu ở cấp cao nhất của Chính phủ. Cơ chế quản lý là minh bạch thông tin. Yếu tố minh bạch thông tin trong quản lý và giải ngân quỹ giải cứu doanh nghiệp là tối quan trọng vì nếu không minh bạch, sẽ gây mất đoàn kết, tác động bất ổn xã hội.
Thứ năm, kết nối với thế giới để tìm nguồn tương trợ tốt nhất. Chúng ta cần tìm kiếm các nguồn tiền dạng “credit line” (đường tín dụng được duyệt trước và chỉ sử dụng khi cần) từ các tổ chức quốc tế lớn như WB, IMF, ADB... để bổ sung quỹ giải cứu doanh nghiệp. Song song là sự hỗ trợ từ các đối tác, thị trường theo ngành hàng.
Thực tế, sẽ không có gì khó nếu trong nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, việc Nhà nước thăm, khám, sàng lọc bệnh và đánh giá mức độ cần ứng cứu, doanh nghiệp nào cần ứng cứu theo tiêu chí rõ ràng, phương pháp khoa học, công khai, minh bạch.
Một phác đồ cùng doanh nghiệp điều trị, giám sát sức khỏe để họ khỏe lên và ràng buộc các cam kết tự phục hồi của mình cũng sẽ rất cần thiết trong trường hợp Chính phủ ra quyết sách hỗ trợ từng đơn vị cụ thể. Sẽ không có so bì nếu không có cào bằng và quyết sách dành cho từng đích hỗ trợ là xác đáng.