Tỉnh Hậu Giang có hơn 10.000 ha chuyên canh mía, nhiều nhất khu vực ĐBSCL, nhưng việc lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang phải lên tiếng kêu gọi cán bộ công chức và người dân mua “ủng hộ” đường sản xuất tại địa phương đã cho thấy “vị đắng” của ngành này.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết: Theo kế hoạch, mức dự kiến là các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ mua ủng hộ 20kg/người; Ban Chấp hành tỉnh 10kg/người; còn cán bộ, công chức 5kg/người. Kế hoạch này sẽ được triển khai thực hiện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh... "bán đường"!
Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) - đơn vị chủ lực ngành mía đường của tỉnh Hậu Giang cho biết: Thông thường vào thời điểm cuối năm các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo đẩy mạnh mua tạm trữ đường để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Tuy nhiên, năm 2018 nhiều doanh nghiệp có tâm lý chờ giá đường giảm do kỳ vọng mức thuế nhập khẩu giảm theo cam kết hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN. Việc doanh nghiệp tiêu thụ đường chậm mua vào đã làm cho sản lượng tồn kho của Casuco còn khá lớn khoảng 30.000 tấn.
Theo ông Vinh, phía công ty không yêu cầu tỉnh hỗ trợ giải cứu đường tồn kho nhưng do lãnh đạo địa phương quan tâm đến doanh nghiệp và nóng lòng với hàng chục ngàn nông hộ trồng mía trong tỉnh mới lên tiếng kêu gọi mọi người mua đường giải cứu cho doanh nghiệp.
Điều doanh nghiệp trông chờ nhiều hơn là cơ chế chính sách để vực dậy ngành mía đường trong thời gian tới, chứ không phải là giải cứu trước mắt.
"Giải phóng nhanh hàng tồn kho để lo vụ mới cũng rất cần thiết nhưng với chính quyền địa phương, điều mà doanh nghiệp trông chờ nhiều hơn là cơ chế chính sách để vực dậy ngành mía đường trong thời gian tới. Cụ thể là chính sách thuế, tín dụng, quy hoạch vùng trồng theo quy mô lớn để đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới vào nhằm giảm giá thành sản xuất. Thực tế, hiện nay giá thành sản xuất mía của ta cao hơn một số nước, làm cho hạt đường yếu sức cạnh tranh khi hội nhập", ông Vinh bộc bạch.
Bài toán 10 năm... để đấy
Theo hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (gọi tắt là ATIGA) ký kết năm 2009 giữa 10 nước ASEAN, kể từ năm 2018 trở đi, sản phẩm đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam mặc dù vẫn chịu thuế nhập khẩu là 5%. Đây là một lợi thế cho những quốc gia có ngành công nghiệp mía đường rất phát triển như Thái Lan.
Như vậy, "đầu bài" cho ngành mía đường đã được đặt ra từ 9 năm về trước chứ không chỉ mới đây. Trong thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế, phương tiện truyền thông đã chỉ ra những yếu kém của ngành mía đường. Thế nhưng không hiểu vì sao vào đúng giờ G thì toàn ngành mía đường lại trong tâm thế lúng túng, bị động?.
Ông Đinh Văn Triệu, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, có thâm niên 15 năm trồng mía cho biết: lần nào gặp lãnh đạo địa phương ông cũng phản ánh sản xuất mía gặp khó khăn như thiếu giống mía mới chất lượng cao, không có loại cơ giới chuyên phục vụ cho trồng mía trong khi giá nhân công lao động thủ công ngày càng tăng, vật tư nông nghiệp kém chất lượng, giá đường không ổn định dẫn đến giá thu mía bấp bênh... Tuy nhiên tới nay tình hình vẫn y nguyên 10 năm trước.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: huyện có gần 8.000 ha trồng mía, lớn nhất tỉnh Hậu Giang. Từ năm 2011, huyện đã lập dự án và xin nguồn vốn của tỉnh đầu tư vùng đê bao khép kín chuyên canh 5.000 ha mía. Đến 2013, dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng còn các kênh sườn do thiếu kinh phí không được đầu tư nên cho tới nay dự án này cũng chưa khép kín hoàn toàn. Vì vậy, nông dân cũng không thể trồng mía lưu gốc, rải vụ để giảm giá thành.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Lê Văn Đời thừa nhận: tình hình sản xuất mía đường của tỉnh còn tiềm ẩn nhiều hạn chế như: "Vùng nguyên liệu chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng mức; hình thức thu mua mía thiếu sự tổ chức và tính chuyên nghiệp của một đơn vị công nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn có sự tranh mua nguyên liệu; chất lượng giống mía chậm được cải thiện, chữ đường chưa cao; đời sống người trồng mía còn nhiều khó khăn. Vì vậy, cần sớm tổ chức lại sản xuất và có những giải pháp căn cơ, bền vững hơn để diện tích mía trong vùng tiếp tục duy trì và phát triển".
Kỳ 2: " Tìm đường" cho mía đường