“Giải cứu” tôm Cà Mau

NINH THỚI 22/08/2020 05:00

Là địa phương có diện tích nuôi tôm chiếm 40% cả nước, tỉnh Cà Mau được xem như là “thủ phủ” của ngành tôm.

Thế nhưng, đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động xuất khẩu tôm của địa phương này gần như rơi vào bế tắc.

p/Chế biến tôm tại nhà máy thủy sản Minh Phú.

Chế biến tôm tại nhà máy thủy sản Minh Phú.

Ngành tôm lao đao

Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau mới đây cho biết sản lượng tôm chế biến 7 tháng đầu năm nay đạt 65.458 tấn, bằng 44% kế hoạch, tăng 8% so cùng kỳ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm chỉ đạt 446 triệu USD, bằng 39% kế hoạch, giảm 12% so cùng kỳ năm ngoái.

Hiện lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp tôm Cà Mau đã lên đến 20.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chế biển tôm chỉ sản xuất cầm chừng, dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh. Trong đó, giá tôm sú nguyên liệu giảm khoảng 30%, tôm thẻ chân trắng giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú, ngành chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên do thời gian qua chúng ta chưa có quy hoạch phát triển bài bản, nên việc khai thác phụ phẩm để nâng cao giá trị cho chuỗi sản phẩm này chưa được chú trọng, đặc biệt là chi phí logistics của Việt Nam còn quá cao…

“Tất cả những hạn chế đó đã làm cho giá thành sản phẩm tôm Việt Nam còn cao hơn nhiều quốc gia khác, đây cũng là những trở ngại đang “ngáng” đường phát triển ngành tôm Việt Nam”, ông Lê Văn Quang nhấn mạnh.

Đẩy mạnh nuôi tôm sinh thái

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chức năng gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho hơn 400 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2020, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ cho 2.237 doanh nghiệp và hộ nông dân với tổng dư nợ 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là giải pháp tình thế, còn về dài hạn thì cần hướng dẫn người nuôi tôm đẩy mạnh phát triển diện tích tôm sinh thái. Được biết, Cà Mau có 12 doanh nghiệp liên kết sản xuất tôm sinh thái trên diện tích hơn 20.000 ha, với 4.000 hộ nuôi, nhưng hiệu quả chưa cao.

Các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh phát triển tôm sinh thái, Cà Mau cần tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng 2030 để sớm triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cũng cần hợp tác với trường Đại học Cần Thơ xây dựng Đề án phát triển hàng tôm sú sinh thái, nghiên cứu để chứng nhận đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC…

Ngoài ra, tỉnh cần nghiên cứu cải tiến quy trình nuôi tôm sinh thái; tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng nuôi quy mô lớn có sự quản lý của cộng đồng và sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp Việt vượt bão COVID-19: Ngành tôm quyết không để đứt gãy chuỗi giá trị

    15:04, 09/08/2020

  • Cáo buộc tránh thuế bán phá giá của Minh Phú và “căng thẳng” ngành tôm

    06:30, 10/06/2019

  • “Gã khổng lồ” ngành tôm đang làm gì trên sàn chứng khoán?

    05:45, 23/10/2018

  • Ngành tôm nỗ lực về đích

    14:49, 30/10/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Giải cứu” tôm Cà Mau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO