Tín dụng - Ngân hàng

Giải pháp đẩy mạnh cho vay theo chuỗi

Hà Anh 29/03/2025 17:18

Theo các chuyên gia, cho vay theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Tuy nhiên, để thúc đẩy hình thức cho vay này, cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu chuỗi.

nam a bank
Nam A Bank là một trong những ngân hàng đã và đang đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị.

Nhu cầu vốn tín dụng để các địa phương hình thành các mô hình chuỗi liên kết vùng nguyên liệu trong các năm 2024 - 2025 ước tính khoảng 552,3 tỷ đồng. Nhu cầu vốn này được dự báo sẽ tăng lên trong các năm tới, nếu mô hình cho vay này tiếp tục phát huy hiệu quả.

Mô hình cho vay hiệu quả

Sản xuất theo chuỗi giá trị đang là một xu thế trên toàn cầu nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của các thành viên trong chuỗi. Chẳng hạn như một chiếc điện thoại thông minh như iphone hay Samsung… đều có sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, cho vay theo chuỗi giá trị cũng là xu thế tất yếu và mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan.

Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, Ths. Trần Văn Tần - Thành viên HĐQT VietinBank cho biết, qua nghiên cứu 5 mô hình cho vay theo chuỗi ngành nông nghiệp tại 5 nước trên thế giới cho thấy, cho vay theo chuỗi góp phần nâng cao tính minh bạch và khả năng quản lý dòng tiền, phát triển bán chéo sản phẩm của ngân hàng cho vay, nâng cao vai trò của cộng đồng, các hợp tác xã ở nông thôn…

Bên cạnh đó, việc cho vay theo chuỗi còn giúp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV thông qua việc bảo lãnh, hoặc vay lại từ các các doanh nghiệp đầu chuỗi. Ví dụ trong lĩnh vực lúa gạo, các những nhà bán buôn lớn thường cho các thương nhân vay để họ lại đầu tư tài chính cho những người sản xuất. Người nông dân có thể mua chịu nguyên liệu đầu vào, họ có thể nhận tiền đặt trước từ các nhà gia công chế biến (trực tiếp hoặc thông qua các hiệp hội của họ)...

Đặc biệt, nếu mô hình này được triển khai hiệu quả và các chủ thể trong chuỗi minh bạch trong hoạt động thì các ngân hàng thương mại có thể đẩy mạnh cho vay mà không cần tài sản đảm bảo vì các ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền. Điều đó sẽ hóa giải “điểm yếu cốt tử” trong việc tiếp cận tín dụng của các DNNVV hiện nay.

Một lãnh đạo Agribank cũng bày tỏ, ngân hàng rất muốn đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị. “Chúng tôi đã đi khảo sát và sẽ triển khai 1 chương trình cho vay theo chuỗi giá trị. Với các DNNVV quy mô nhỏ, có năng lực quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, thì phải liên kết, dựa vào nhau thành một khối để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn”, vị này cho biết.

Phát huy vai trò “đầu tàu”

Tại Việt Nam, mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông sản đã được thí điểm từ khá sớm, tuy nhiên kết quả lại không được như mong muốn. Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết, không phải thời điểm này mà cách đây 13 năm đã thí điểm 21 mô hình liên kết chuỗi giá trị, tuy nhiên hầu hết đều thất bại. Chỉ duy nhất một chuỗi trồng hoa xuất khẩu ở Đà Lạt thành công nhờ có sự đầu tư vốn và công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông Đào Minh Tú, một chuỗi liên kết phải đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Nếu mối liên kết quá lỏng lẻo, sẽ rất khó đạt được hiệu quả. “Thành công của mô hình này phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp chặt chẽ của các thành phần trong chuỗi”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Trên thực tế, cũng có những hạn chế trong cho vay theo mô hình chuỗi giá trị, như việc tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết tại một số địa phương chưa chặt chẽ; số lượng doanh nghiệp có đủ năng lực tổ chức, quản trị để làm vai trò đầu mối của chuỗi liên kết chưa nhiều; khả năng hợp tác, liên kết của các chủ thể tham gia chuỗi còn yếu, có nguy cơ dẫn tới tình trạng phá vỡ liên kết...

Bởi vậy, để mô hình cho vay theo chuỗi giá trị phát triển phát huy hiệu quả và được nhân rộng trong tương lai, cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu chuỗi, biến họ thành các đại lý ngân hàng, để họ đứng ra đầu mối vay vốn ngân hàng cho toàn bộ chuỗi và kiểm soát hoạt động trong chuỗi.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò cầu nối của các hiệp hội ngành hàng. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, các DNNVV không còn cách nào khác phải liên kết lại với nhau, tập hợp các thông tin, hồ sơ về các hiệp hội doanh nghiệp. Các hiệp hội doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đại diện, vừa giới thiệu vừa làm cầu nối, kết nối doanh nghiệp với ngân hàng. Thông qua các hiệp hội có uy tín, các ngân hàng cho vay cũng yên tâm hơn khi cho vay theo chuỗi.

Ngoài ra, cần nghiên cứu đưa ra phương thức kết nối các hiệp hội doanh nghiệp với các đơn vị tại địa phương, các ngành hàng sao cho việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thuận lợi và hiệu quả hơn. “Quy trình vay vốn theo chuỗi giá trị được cho là hiệu quả, nhưng vẫn cần có một cầu nối linh hoạt giữa các bên. Hiệp hội sẵn sàng hợp tác với các tổ chức như các hiệp hội kế toán, các ngân hàng để thúc đẩy hình thức cho vay này”, ông Thân chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp đẩy mạnh cho vay theo chuỗi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO