Bình luận

Giải pháp đồng bộ phát triển điện khí LNG

Thanh Trà thực hiện 24/08/2024 00:30

Những trở ngại hiện nay, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong quá trình triển khai điện gió ngoài khơi và điện khí LNG chủ yếu bắt nguồn từ các rào cản pháp lý và những khó khăn trong quá trình đàm phán thương mại. Do đó cần giải pháp đồng bộ gỡ nút thắt này.

nguyen quoc thap
TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Hiện nay, quá trình phát triển điện gió ngoài khơi và điện khí LNG còn gặp nhiều vướng mắc, theo ông, những khó khăn cụ thể mà các dự án này đang gặp phải trong giai đoạn hiện tại phải kể đến là gì?

Dự án điện khí LNG hiện đang đối mặt với một số vướng mắc đáng kể. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc các dự án đã triển khai vẫn chưa thể ký kết được hợp đồng mua bán điện, dẫn đến vấn đề cam kết bao tiêu.

Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất được quy định có quyền mua điện, nhưng theo điều lệ và quy chế của EVN, họ không thể cam kết bao tiêu điện từ các dự án này. Đây là rào cản lớn nhất đối với các dự án đã và đang triển khai.

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi, tình hình thậm chí còn phức tạp hơn. Hiện nay, quá trình triển khai gần như mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, giống như một trang giấy trắng. Các cách tiếp cận và quan điểm vẫn còn rất khác nhau, chưa có sự thống nhất, dẫn đến chậm tiến độ trong quá trình thực hiện.

dien khi LNG
Nhà máy điện khí LNG Thái Bình có công suất 1.500 MW.

Về mặt kỹ thuật, tôi tin rằng việc phát triển các dự án điện khí LNG và điện gió ngoài khơi không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, những trở ngại hiện nay, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong quá trình triển khai, chủ yếu bắt nguồn từ các rào cản pháp lý và những khó khăn trong quá trình đàm phán thương mại. Những vướng mắc này phần lớn xuất phát từ việc các bên liên quan trong chuỗi dự án không được trao đủ quyền hạn cần thiết và không được phép triển khai dự án một cách đầy đủ như các nước láng giềng hoặc các dự án quốc tế khác.

Những mô hình hợp tác quốc tế nào mà ông cho là hiệu quả và có thể áp dụng tại Việt Nam để phát triển các dự án điện khí LNG?

Để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta có thể học hỏi từ nhiều mô hình hợp tác quốc tế đã được triển khai thành công ở các quốc gia lân cận. Chẳng hạn Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển các dự án nhập khẩu LNG. Đặc biệt, Malaysia không chỉ thành công trong việc triển khai mà còn có thể xuất khẩu LNG sang các quốc gia khác.

Từ những kinh nghiệm này, chúng ta hoàn toàn có thể rút ra những bài học quý giá. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là khả năng chuyển đổi về nhận thức và tư duy để theo kịp xu thế. Việc học hỏi là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là chúng ta cần thích ứng và phát triển một cách phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ về những bước tiến cụ thể mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt được trong việc triển khai các dự án điện khí LNG?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đang triển khai một số dự án năng lượng tái tạo, cụ thể là trong lĩnh vực dầu khí LNG, thông qua các đơn vị thành viên. Ví dụ điển hình là PV Power đang tiến hành xây dựng hai dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4. Đây là một nỗ lực rất lớn của chúng tôi, dù hiện tại còn nhiều khó khăn và chưa có đủ điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, PV Power đã triển khai xây dựng hai dự án này song song với quá trình hoàn thiện các điều kiện pháp lý và thương mại cần thiết.

Bên cạnh đó, PV Gas cũng đang tiến hành xây dựng kho cảng LNG để nhập khẩu LNG, trong đó nguồn LNG này sẽ phục vụ cho các nhà máy điện như Nhơn Trạch 3 và 4. Mới đây, chúng tôi đã sử dụng LNG để cung cấp khí cho các nhà máy điện Phú Mỹ 1 và 2, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc triển khai các dự án năng lượng của Tập đoàn.

Để thu hút đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi và điện khí LNG, ông có đề xuất hay khuyến nghị gì về các chính sách hỗ trợ liên quan?

Thứ nhất, cần sửa đổi và bổ sung đồng bộ các bộ luật quan trọng như Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế, cùng các luật liên quan đến tài nguyên, đầu tư, và xây dựng. Việc này nhằm tạo ra một khung pháp lý vững chắc, thuận lợi cho sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Thứ hai, việc phát triển thị trường điện là cần thiết, trong đó tập trung vào việc xây dựng quy hoạch và phát triển các cụm kho cảng LNG, nhà máy điện, cũng như thu hút đầu tư vào các dự án điện khí LNG và điện gió ngoài khơi.

Thứ ba, cần cập nhật cơ chế quản lý và thực thi, điều chỉnh quy chế tài chính và điều lệ tổ chức của các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhằm đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý các dự án năng lượng.

Thứ tư, cần thay đổi nhận thức và tư duy về điện khí LNG và điện gió ngoài khơi, đảm bảo rằng giá điện phản ánh đúng cơ chế thị trường, đồng thời có các cam kết dài hạn để khuyến khích đầu tư.

Cuối cùng, chúng tôi đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các mục tiêu chiến lược và quy hoạch quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp đồng bộ phát triển điện khí LNG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO