Giải pháp "hạ nhiệt" giá thịt lợn

Thy Hằng 07/05/2020 05:30

Tốc độ tái đàn lợn của các doanh nghiệp tuy đạt mức độ cao nhưng không đủ "gánh" cả các nông hộ, HTX, Bộ NN&PTNT đề nghị doanh nghiệp thể hiện vai trò đầu tàu hỗ trợ tái đàn an toàn, hiệu quả.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng khiến giá thịt lợn tăng cao, kéo dài thời gian vừa qua. Một trong hai giải pháp chủ yếu được ưu tiên là tái đàn, đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thực hiện giải pháp này yêu cầu thời gian dài trong khi hậu quả của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vừa qua khiến hạ tầng cho tái đàn không đảm bảo.

Hội nghị

Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn được tổ chức trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung trầm trọng khiến giá thịt "leo thang" thời gian dài. 

Giá cao cũng không có tiền để tái đàn

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, công ty đã tăng nguồn cung lợn giống hậu bị tương đối mạnh bằng cách tăng tỉ lệ lựa chọn. Trước đây, công ty chỉ lựa chọn con giống với khoảng 70% con được đẻ ra. Thời gian này, công ty thậm chí lựa chọn lên tới trên 90% để cung cấp cho nội bộ và những con lợn giống tốt với tỉ lệ chọn dưới 70% vẫn để phục vụ người nông dân.

Bên cạnh đó, công ty còn luân chuyển con giống giữa vùng miền, như chuyển từ khu vực miền Trung sang Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, những vùng người dân có nhu cầu con giống cao.

Tuy nhiên, hiện chỉ có C.P và khoảng 14 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi có được tốc độ tái đàn lợn như vậy, khoảng trên 17%. 15 doanh nghiệp này cũng chỉ nắm giữ khoảng 35% đàn lợn thương phẩm.

Trong khi đó, phần lớn vấn đề tái đàn, tăng đàn lợn gặp khó khăn trong các nông hộ và HTX. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng này do bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm đối với lợn, vi rút có sức đề kháng cao, đường lây truyền phức tạp, chưa có vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, cơ sở vật chất hạn chế, khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, do đó người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch, thiếu vốn, thiếu con giống nên chưa thể chăn nuôi trở lại; nhiều địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch...

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do các tháng 5, 6 và 7/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống, nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020. 

"Từ cuối tháng 8/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 đầu 2020 mới tái đàn, như vậy dự kiến đến Quý III, Quý IV/2020 đảm bảo cơ bản nhu cầu lợn giống, lợn thương phẩm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định. 

Đồng thời, vừa qua các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, nguồn lợn giống cũng khan hơn, nhiều nông hộ, trang trại bên ngoài không tiếp cận được nguồn giống dẫn đến giá mặt hàng này hiện nay tăng rất cao 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con.

"Dù giá tăng cao nhưng nhiều hộ có tiền, có điều kiện cũng không mua được giống để tăng, tái đàn", ông Tiến nói.

Khẳng định vai trò của chăn nuôi hộ và hợp tác xã trong thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn cũng như tái đàn sau dịch, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong ngành chăn nuôi lợn hiện nay, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa, các HTX chính là 2 khu vực chiếm tỉ trọng lớn nhất, chiếm tới 66 – 67%% tổng đàn lợn. Trong khi đó, tốc độ tăng đàn, tái đàn ở các doanh nghiệp lớn cũng đang tăng rất nhanh.

Bốn giải pháp tái đàn có kiểm soát không để "ngã ngửa"

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trước tiên, cần ưu tiên hiện nay chính là đối tượng chăn nuôi nông hộ quy mô tập trung, trang trại, HTX. Muốn vậy phải hoàn thiện nhóm chính sách nhà nước với tổng thể nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ từ con giống, đất đai đến lãi suất vay vốn… để đạt mục tiêu khôi phục đàn lợn cả nước bằng với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra trong cuối quý 3 và đầu quý 4 năm nay.

Thứ hai, ngành nông nghiệp phải ưu tiên tập trung chỉ đạo sâu sát hơn nữa để đảm bảo tái đàn an toàn, hiệu quả, không tái dịch. Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi quay trở lại vẫn còn rất hiện hữu, cho nên công tác phòng chống dịch phải có sự cố gắng rất lớn từ chủ trương, chính sách, chỉ đạo cho tới sự hưởng ứng của người dân. Thời gian qua, nhờ có sự đồng bộ, đồng lòng quyết liệu đó nên đã hạn chế được thấp nhất tỉ lệ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đừng để tái đàn mất kiểm soát mà sau này lại

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, đừng để tái đàn mất kiểm soát mà sau này lại "ngã ngửa" vì khủng hoảng thừa, phải đi giải cứu thịt lợn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận còn những vấn đề lớn bất hợp lí, cần giải quyết: Hiện nay sản lượng thịt lợn vẫn còn thiếu hụt khoảng hơn 20% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Nếu trong quý 3 chúng ta không cố gắng, quyết tâm đồng bộ thì nguồn cung thịt lợn chưa thể trở lại trạng thái cân bằng.

Do đó, điều thứ ba cần lưu ý, chính là các tỉnh, thành phố cần hoàn thiện chính sách, vào cuộc đồng bộ, tích cực giúp người dân tái đàn thuận lợi, hiệu quả.

"Những địa phương nào đã qua 30 ngày không còn bệnh dịch tả lợn châu Phi phải công bố hết dịch để người dân sản xuất, buôn bán thịt lợn thuận lợi. Báo cáo của các tỉnh tổng hợp lên thì thấy 99,9% số xã hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng tại sao trong hội nghị hôm nay, mới có 45 tỉnh đã công bố hết dịch? Cái này đề nghị kiểm tra lại", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu câu hỏi. 

Cuối cùng, tư lệnh ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương rà soát quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó khẳng định tái cơ cấu ngành thịt lợn theo hướng bền vững, theo chuỗi. Đừng để tái đàn mất kiểm soát mà sau này lại "ngã ngửa" vì khủng hoảng thừa, phải đi giải cứu thịt lợn. 

"Nơi nào cần bao nhiêu trang trại, bao nhiêu chuỗi phải xác định rõ, không sản xuất đứt quãng. Khu vực nào có thế mạnh thì tạo điều kiện đầu tư phát triển, còn chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh thì dứt quát không tái đàn. Riêng đối với doanh nghiệp, đề nghị coi việc tái đàn của mình và của nông hộ, HTX là quan trọng như nhau. Doanh nghiệp chính là đầu tàu trong việc dẫn dắt giá thịt lợn, giá cám, thuốc thú y… Bảo bán giá lợn hơi 70.000 đồng/kg nhưng lại tuồn ra cho trang trại vệ tinh đẩy giá lên thì là chưa thực sự gương mẫu", Bộ trưởng Cường nói rõ.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá nhiều mặt hàng giảm nhưng giá thịt lợn vẫn "cố thủ" mức cao vì đâu?

    18:49, 05/05/2020

  • Giá thịt lợn vẫn cao “vời vợi”

    04:22, 03/05/2020

  • Lấp đầy nguồn cung, thịt lợn sẽ tự hạ giá

    18:12, 24/04/2020

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thịt lợn hơi tăng 90.000 đồng/kg là "quá đáng"!

    15:09, 21/04/2020

  • Thủ tướng: Có hay không chuyện làm giá thịt lợn?

    10:45, 21/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp "hạ nhiệt" giá thịt lợn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO