Giải pháp hạn chế hành vi lừa đảo trong thương mại quốc tế

THU DUYÊN 05/06/2022 03:00

Nhiều bài học trong quá khứ cùng với vụ lừa đảo ngành điều vừa qua, doanh nghiệp xuất khẩu cần rút ra các bài học trong giao dịch, lựa chọn đối tác.

>>Vụ 100 container điều xuất sang Ý: Mấu chốt phải giải quyết nghi án lừa đảo

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện nay đã kí kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Việc kí kết này góp phần giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường và có cơ hội đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với nhiều hình thức lừa đảo tinh vi và đa dạng hơn, cần chủ động mọi phương án, trong đó tính tới khả năng rủi ro để xây dựng kịch bản đối phó.

Nhìn từ vụ việc 35 container điều suýt mất trắng

Thời gian qua, dư luận xôn xao trước vụ việc 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều gặp vướng mắc về hồ sơ chứng từ của các lô hàng gửi đến Italia và Thổ Nhĩ Kỳ và có nguy cơ mất hàng. Cập nhật mới nhất về vụ việc, trong số 35 container mất bộ chứng từ gốc đã giải quyết được 30/35 container điều đưa về Việt Nam. Số hàng này đã được doanh nghiệp đặt cọc bảo lãnh ngân hàng cho hãng tàu từ tháng 3, hiện đã được tiêu thụ. Tuy nhiên vẫn còn 5 container đang nằm lại cảng Italy vì 3 công ty của Việt Nam không có đủ khả năng chuyển tiền đặt cọc để bảo lãnh ngân hàng cho các hãng tàu.

Đến ngày 30/5, 3 công ty này đã nhận được phán quyết của Tòa án dân sự Larino và Công tố TP Napoli trả lại quyền sở hữu 3 container, 2 container còn lại hãng tàu Cosco chưa đồng ý trả do chưa có đặt cọc và cũng chưa có phán quyết tương ứng của tòa khu vực.

Nhiều bài học được rút ra từ vụ lừa đảo 100 container hạt điều

Nhiều bài học được rút ra từ vụ lừa đảo 100 container hạt điều

Chia sẻ tại hội thảo “Phòng tránh rủi ro trong thương mại quốc tế và dịch vụ logistics để nâng cao hiệu quả kinh doanh” vừa diễn ra tại Hải Phòng, Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài VIAC, thành viên Tiểu Ban tư vấn pháp luật VLA đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Logistics một số biện pháp để hạn chế đến mức tối đa hành vi lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế. 

Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài VIAC, thành viên Tiểu Ban tư vấn pháp luật VLA đưa ra các thông điệp khuyến cao các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics

Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài VIAC, thành viên Tiểu Ban tư vấn pháp luật VLA đưa ra các thông điệp khuyến cao các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics.

Là một trong những thành viên tham gia vụ án kinh tế này, Luật sư đã đưa ra những kinh nghiệm đúc rút từ vụ việc trên, như: cung cấp vận đơn theo lệnh, lựa chọn ngân hàng nước ngoài tín nhiệm, giữ kín thông tin đường đi của hồ sơ chuyển phát, đặt cọc lấy lại hàng…

Luật sư Lễ lí giải: Nếu là vận đơn đích danh, người ta có thể dễ dàng lấy hàng hoặc hồ sơ có thể thất lạc trong quá trình chuyển phát. Vận dụng nghiệp vụ để loại trừ rủi ro bằng cách trong vận đơn đó không cung cấp vận đơn đích danh mà cung cấp vận đơn theo lệnh, ở đây là theo lệnh của ngân hàng. Có nghĩa là sẽ chỉ thị cho ngân hàng ở nước nhập khẩu kí vào bảng vận đơn, sau đó chuyển cho người/doanh nghiệp đến nộp tiền để nhận hàng. Áp dụng phương pháp này sẽ không ảnh hưởng hay gây khó khăn cho cả 2 bên. Trong trường hợp hồ sơ thất lạc cũng không bị lấy mất hàng. Hãng tàu cũng sẽ kiểm tra được đối tác đã nhận được hàng hay chưa.

"Một vấn đề quan trọng khác cần chú ý vận dụng nếu không muốn mất hàng đó là yêu cầu đặt cọc. Các doanh nghiệp nên yêu cầu đặt cọc tiền với hãng tàu để nhận hàng nếu trường hợp gặp rủi ro hay lừa đảo. Từ đó có căn cứ để trọng tài quốc tế giải quyết, hỗ trợ.”, vị luật sư nhấn mạnh.

Hạn chế những rủi ro không đáng có

Nhiều chuyên gia nhận định, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại khá thụ động khi tìm hiểu đối tác, bạn hàng cũng như các kĩ năng trong việc thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế…Vì vậy, để hạn chế những rủi ro không đáng có, hành trang mà các doanh nghiệp cần trang bị khi hội nhập là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu cần cẩn trọng hơn khi kí hợp đồng với các đối tác nước ngoài, phải tìm hiểu khách hàng  một cách kỹ lưỡng trước khi tiến hành giao dịch.

“Tôi nhận thấy một số doanh nghiệp tìm hiểu đối tác rất sơ sài, chủ yếu tìm kiếm qua mạng, như vậy rủi ro cao. Điều đầu tiên cần tìm hiểu mặt pháp lý, nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh của mình cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch để qua đó biết được thông tin của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Sau đó là kiểm tra qua tiếp xúc trực tiếp, qua các bạn hàng, hiệp hội doanh nghiệp, công ty tư vấn…hoặc qua website công ty (chú ý thay đổi ban lãnh đạo)”, luật sư này khuyến nghị.

Luật sư Ngô Khắc Lễ cũng đưa ra một số lưu ý trước và sau khi ký (thực hiện) hợp đồng thương mại quốc tế: cảnh giác với giá bất thường, nên cẩn trọng khi đối tác đưa ra quá hấp dẫn; Điều khoản về hợp đồng độc lập; kiểm tra địa chỉ email, nhận biết giả mạo email để lừa đảo…với dẫn chứng là các vụ án kinh tế điển hình.

Nhiều hợp đồng kinh tế hiện nay thường thiếu 1 điều khoản: các hợp đồng phải độc lập với nhau, tránh trường hợp bù trừ giữa các hợp đồng liên quan gây thiệt hại kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến thư điện tử, dùng thư điện tử công cộng, lưu ý khi dùng thư điện tử phải kiểm tra kĩ, xác định đó là địa chỉ thư thật hay giả, mã IP ở quốc gia nào…Trong hợp đồng nên thảo luận và đưa ra 1 địa chỉ email giao dịch chính trong công việc. Các giao dịch qua zalo, viber nên chú ý, đó chỉ là phương tiện cá nhân, có thể xóa được tin nhắn. Dù đây là giao dịch điện tử hợp pháp nhưng khó tạo chứng cứ, không lưu giữ được khi xảy ra tranh chấp.

“Nếu doanh nghiệp sử dụng những nghiệp vụ này ngay từ quá trình thương thảo hợp đồng qua việc xác minh đối tác, tính pháp lý, năng lực tài chính của bên mua, thì sẽ hạn chế sự việc đáng tiếc xảy ra", luật sư Ngô Khắc Lễ khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Từ vụ xuất khẩu điều nghi bị lừa và bài học pháp lý cho doanh nghiệp?

    Từ vụ xuất khẩu điều nghi bị lừa và bài học pháp lý cho doanh nghiệp?

    04:30, 21/03/2022

  • Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Các giải pháp tránh tổn thất

    Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Các giải pháp tránh tổn thất

    03:40, 20/03/2022

  • Phương thức thanh toán quốc tế nào từ “vụ hạt điều”?

    Phương thức thanh toán quốc tế nào từ “vụ hạt điều”?

    04:30, 19/03/2022

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 18/03: Các giải pháp tránh tổn thất từ “vụ hạt điều”

    ĐIỂM BÁO NGÀY 18/03: Các giải pháp tránh tổn thất từ “vụ hạt điều”

    05:00, 18/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp hạn chế hành vi lừa đảo trong thương mại quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO