Các bộ, ngành cần hoàn thiện nhanh các chính sách và đẩy mạnh tính linh hoạt của hệ thống điện để tích hợp, tạo cơ sở hạ tầng vững chắc giúp huy động nguồn điện năng lượng tái tạo.
Với hệ thống điện nói riêng và hệ thống năng lượng nói chung của Việt Nam cũng sẽ phải như vậy.
Để phát triển được và huy động nhiều hơn các loại nguồn năng lượng sạch, như điện mặt trời, điện gió, thủy điện, điện sinh khối…, hệ thống năng lượng Việt Nam phải linh hoạt hơn, sẵn sàng về cơ chế và hạ tầng.
Đặc biệt, cần có chính sách hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, nâng cao khả năng làm chủ công nghệ, khả năng chống đỡ thiên tai, sẵn sàng về nhân lực và chương trình đào tạo để phát triển các dự án được bền vững.
Năm 2025, Việt Nam tiếp tục triển khai một số giải pháp cụ thể trong Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó có một số giải pháp đã và đang chuẩn bị/ thực hiện về việc hoàn thiện thị trường điện, định hướng cơ chế giá điện nhằm phản ánh hợp lý chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện, chính sách đa dạng hóa các nguồn điện, trong đó có điện hạt nhân, như trong nội dung Luật điện luật sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 30/11/2024.
Việc phát triển, tiếp nhận các nguồn năng lượng sạch cần được đồng bộ chặt chẽ với việc thay thế các nguồn điện than. Trong thời gian sắp tới, Việt Nam cần chú trọng vào các giải pháp sau để nâng cao khả năng phát triển và huy động các loại nguồn điện sạch:
Thứ nhất, thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào hệ thống điện, song song với việc đầu tư phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó phối hợp vai trò của pin tích trữ, điều tiết phụ tải, thủy điện tích năng và nhiệt điện một cách phù hợp, nhằm xây dựng khả năng linh hoạt ngắn hạn và linh hoạt theo mùa.
Một số việc cần làm trước mắt là ban hành cơ chế tạo thị trường cho pin tích trữ quy mô lớn trên lưới điện, nâng giới hạn công suất pin tích trữ trên lưới trong quy hoạch điện VIII, và thúc đẩy dự án thủy điện tích năng thứ hai.
Thứ hai, đẩy mạnh việc phát triển nguồn điện năng lượng sạch trong sự đồng bộ chặt chẽ với việc giảm tỷ trọng các nguồn điện than, thông qua việc kiểm soát tỷ lệ chi phí cho năng lượng sạch và điện than.
Theo IEA, việc giảm đầu tư vào điện than trước khi tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch vừa có thể làm tăng chi phí, vừa không đảm bảo một quá trình chuyển đổi năng lượng an toàn.
Thứ ba, đẩy nhanh việc nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển dự án điện lực. Đồng thời chú trọng việc thu hút nguồn vốn FDI để giải quyết nhu cầu vốn rất lớn cho việc phát triển các nguồn điện đến 2030 và sau đó.
Thứ tư, cần sớm hoàn thiện các cơ chế thị trường điện cạnh tranh, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện lực, cơ chế giá điện hai thành phần. Các cơ chế này góp phần thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển nguồn điện, đồng thời tăng khả năng huy động tài chính nội bộ của EVN.
Thứ năm, cần kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai thiết kế, xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng liên quan đến khí LNG, trong đó có cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật.
Thứ sáu, sớm hình thành các trung tâm nghiên cứu cơ bản cũng như trung tâm nghiên cứu quốc tế về năng lượng sạch, năng lượng mới, công nghệ lưu trữ carbon tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xem xét cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm (sandbox regulatory) cho phân ngành điện và ngành năng lượng.
Thứ bảy, thúc đẩy khả năng chống đỡ thiên tai của hệ thống nguồn năng lượng, đặc biệt là các nguồn điện mặt trời, điện gió và hệ thống truyền tải, phân phối nhằm hạn chế ảnh hưởng của các sự kiện thời tiết cực đoan đang có tần suất và cường độ ngày càng tăng và mang lại những rủi ro lớn đối với hệ thống điện nói riêng và an ninh năng lượng nói chung.
Cuối cùng, cần tích cực đổi mới chương trình, nội dung đào tạo ngành điện, gắn với thực tế chuyển dịch năng lượng và ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh.
(*) Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển PECC2