Mặc dù 3 năm gần đây làm ăn có lãi, nhưng do âm vốn chủ hơn 725 tỷ đồng, khiến cổ phiếu của Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biên Việt Nam (UpCOM: VST) vẫn nằm trong diện hạn chế giao dịch.
Giải trình lý do còn âm vốn chủ sở hữu, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, theo Báo cáo tài chính bán niên 2024 đã được soát xét, chỉ tiêu vốn chủ sở hữu còn âm 725 tỷ đồng chủ yếu do kết quả kinh doanh lỗ từ năm 2012 đến 2020 vì chịu ảnh hưởng của giai đoạn thị trường vận tải biển suy thoái mạnh từ cuối năm 2008 đến 2020: Lượng cung tàu trên thị trường vượt nhiều so với nhu cầu vận chuyển, giá nhiên liệu thường xuyên duy trì ở mức cao, đặc biệt là chi phí tài chính liên quan đến trả lãi vay các tàu mua, đóng mới trước kia và chênh lệch tỷ giá quy đổi giữa USD và VND quá lớn.
Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả kinh doanh từ năm 2021 đến tháng 6/2024 lãi 961 tỷ đồng nhờ sự chỉ đạo sát sao và hoạch định chiến lược đúng đắn của Ban Lãnh đạo Công ty, cùng với việc đoàn kết của tập thể cán bộ nhân viên quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện doanh thu, kiểm soát chi phí, tăng cường quản lý kỹ thuật, nhiên liệu, phụ tùng vật tư,... góp phần gia tăng hiệu quả khai thác đội tàu.
Song song đó, Công ty thực hiện thành công tái cơ cấu tài chính với các tổ chức tín dụng thương mại nên kết quả kinh doanh liên tục có lãi từ năm 2021 đến nay (năm 2021: lãi 0,26 tỷ đồng; năm 2022 lãi 217 tỷ đồng; năm 2023 lãi 560 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024 lãi 182 tỷ đồng).
Đánh giá về tình hình thị trường và hoạt động của đội tàu, lãnh đạo VST cho biết, trong nửa đầu năm 2024, thị trường vận tải biển có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng trưởng ổn định, nhờ sự phục hồi của các ngành công nghiệp như sản xuất, xây dựng và tiêu dùng, dẫn đến giá cước vận tải biển có xu hướng tăng nhẹ. Nắm bắt cơ hội thị trường cước vận tải biển tăng, Công ty đã hoàn thành việc đàm phán ký kết các hợp đồng cho thuê tàu đến cuối năm 2024.
Về phương án khắc phục, theo lãnh đạo VST, trên cơ sở dự báo tình hình thị trường năm 2024 và những năm tiếp theo, Công ty dự kiến tiếp tục có lãi nhằm bù đắp một phần lỗ lũy kế còn lại, đồng thời phát hành thêm 2 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ để tăng vốn chủ sở hữu.
Song song đó, Công ty tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tài chính với các tổ chức tín dụng còn lại, theo hướng xóa/miễn lãi vay hiện còn trên sổ sách hơn 500 tỷ đồng, việc này giúp Công ty có lợi nhuận dương và dần dần bù đắp hết số lỗ lũy kế. Công ty dự kiến không còn âm vốn chủ sở hữu khi kết thúc năm tài chính 2025.
Về giải pháp thực hiện, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, Công ty sẽ tiếp tục áp dụng các nhóm giải pháp về kinh doanh - thị trường, về quản trị tài chính, tái cơ cấu tài chính, tăng doanh thu, giảm chi phí, tăng cường quản lý kỹ thuật đội tàu, khai thác đội tàu, gồm:
Thứ nhất, bám sát thị trường để lựa chọn các hợp đồng vận chuyển, phương án khai thác với giá cước phù hợp, ký hợp đồng có thời hạn hợp lý, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Thứ hai, triệt để tiết giảm chi phí trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác quản lý đặc biệt là quản lý nhiên liệu, phụ tùng, vật tư, bảo quản bảo dưỡng của thuyền viên để kiểm soát tốt hơn chi phí.
Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng phương án thuê tàu, ... để tăng cường năng lực vận chuyển và sức cạnh tranh cho đội tàu.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nợ với các tổ chức tín dụng, chuyển nợ thành vốn góp,... nhằm giúp Công ty giải quyết triệt để khoản nợ và lãi vay quá hạn góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính.
Về kết quả kinh doanh, theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2024 đã soát xét, trong nửa đầu năm 2024, VST ghi nhận doanh thu đạt hơn 233 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 181,5 tỷ đồng, giảm gần 65% so với nửa đầu năm 2023.
Lãnh đạo VST cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận khác giảm hơn 379 tỷ đồng do năm nay Công ty được Ngân hàngPhát triển Việt Nam xóa lãi phạt của các khoản vay đóng tàu với số tiền hơn 190 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 Công ty được giảm trừ nghĩa vụ trả nợ hơn 571 tỷ đồng đối với khoản vay vốn lưu động và vay mua tàu từ Ngân hàng ACB chuyển giao cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Bên cạnh đó, thị trường vận tải biển tăng nhẹ từ đầu năm 2024 cùng với việc áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí góp phần giảm giá vốn hàng bán và nâng cao hiệu quả nên dẫn đến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 44 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài việc ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, VST còn phải nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp do nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 757 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 1.412 tỷ đồng và chi tiêu vốn chủ sở hữu âm hơn 725 tỷ đồng.
Giải trình ý kiến lo ngại trên của kiểm toán, lãnh đạo VST cho rằng, đây là đặc điểm chung của các doanh nghiệp ngành vận tải biển trong thời gian tái cơ cấu. Đồng thời cho biết, hiện tại công ty vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ dương 55 tỷ đồng.