Để thúc đẩy phát triển công trình xanh, theo chuyên gia, cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh riêng của Việt Nam, cùng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư.
Chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu có mức phát thải thấp và các thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong công trình xây dựng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kinh trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng.
Theo đó, công trình xanh xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua và từ những công trình xanh đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, đến giữa năm 2024 chúng ta đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu mét vuông. Với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm trên dưới 100 triệu mét vuông, chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, có thể thấy mặc dù tăng nhanh trong thời gian vừa qua nhưng tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn. Chính vì vậy việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh cũng là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc phát triển công trình xanh cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.
Một trong những vướng mắc chính đến từ vật liệu xanh bởi chi phí sản xuất cao hơn so với các vật liệu truyền thống, gây khó khăn cho các nhà thầu xây dựng hoặc người tiêu dùng trong việc tiếp cận và sử dụng. Thực tế, chi phí đầu tư cho công trình xanh lớn hơn từ 1,2% đến trên 10% so với công trình thông thường. Yêu cầu này đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn hơn, dù sau đó công trình xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thuận lợi hơn trong quản lý vận hành.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ về công trình xanh còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án công trình xanh hạn chế. Đáng nói, mặc dù Việt Nam đang dần xây dựng các tiêu chuẩn về vật liệu xanh, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về việc đánh giá và quản lý chất lượng của vật liệu này.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển công trình xanh, các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu, ban hành lộ trình áp dụng cơ chế đầu tư xây dựng công trình xanh đối với một số loại hình công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các chủ đầu tư xây dựng công trình xanh, từ đó tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Từ kinh nghiệm thực tế, Giám đốc Quản lý thiết kế Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest) Nguyễn Chiến Hữu mong muốn, Bộ Xây dựng sẽ sớm tháo gỡ các quy định về tiêu chuẩn vật liệu để doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư, lựa chọn vật liệu xanh. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công trình xanh để nâng cao nhận thức, hiểu biết của xã hội, tạo động lực để đầu tư vào công trình xanh.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến đề xuất, cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh/dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam và quy định thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh thuộc cơ quan xây dựng. Điều này là để ngăn chặn tình trạng ứng dụng tùy tiện công trình xanh, làm cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.
Đặc biệt, cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh/dự án công trình xanh chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Điều này xem như gửi tín hiệu tới khu vực tư nhân và các nhà đầu tư rằng Chính phủ đang nghiêm túc về vấn đề công trình xanh.
Được biết, về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về: danh mục dự án xanh, trong đó có các dự án công trình xanh; danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh.
Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng vào Dự thảo sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm 2025.
Đồng thời, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc áp dụng các tiêu chí công trình xanh trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị, phân hạng nhà chung cư, phát triển các dự án nhà ở xã hội theo tiêu chí công trình xanh.
Rà soát, sửa đổi QCVN 09:2017/BXD, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng. Nghiên cứu để công bố suất vốn đầu tư cho đầy đủ các loại hình công trình để tạo điều kiện cho các chủ thể xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh.