Chính sách - Quy hoạch

Giải pháp phát triển công trình xanh ứng phó biến đổi khí hậu

TS KTS Lê Thị Bích Thuận 10/02/2025 04:00

Phát triển công trình xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai ngày càng gia tăng.

Xây dựng và phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam và ứng phó với BĐKH.

tskts20lecc8220thicca320bicc81ch20thuacca3cc82n.jpeg
TS KTS. Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia đứng đầu về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của BĐKH trong 30 năm tới. Trong bối cảnh đó, trào lưu kiến trúc tại các nước phát triển lan sang các nước đang phát triển như Việt Nam được xem như là một mô hình lý tưởng. Những mô hình công trình xanh này khiến các nước đang phát triển choáng ngợp bởi các giải pháp công nghệ tân tiến, vật liệu xây dựng hiện đại. Tuy nhiên việc ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp vào trong điều kiện riêng của từng nước, từng địa phương còn đang là một khoảng trống lớn. Việc hiện thực công trình xanh đang gặp rất nhiều trở ngại.

Thêm vào đó, việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều rào cản, khó khăn như thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về CTX, nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ về công trình xanh còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án CTX hạn chế.

Những năm gần đây, Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều nỗ lực trong phát triển công trình xanh như tổ chức các sự kiện, hội thảo nhằm thúc đẩy xu hướng công trình xanh trong ngành xây dựng Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tiếp nối và lan tỏa sự kiện Tuần lễ công trình xanh Việt Nam hàng năm, nhiều công trình xanh của các đơn vị doanh nghiệp, chủ đầu tư đã được vinh danh và khen tặng trong sự kiện.

Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo “Chiến lược Quốc gia về phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.

Số lượng công trình xanh tại Việt Nam hiện đang tăng lên rất nhanh.
Việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều rào cản.

Đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, khoảng 30% công trình xây mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 20% số lượng công trình xây mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân đạt các tiêu chí xanh, giảm 10 - 15% mức tiêu thụ năng lượng vận hành công trình/m2 sàn so với năm 2010... Phấn đấu đến năm 2030 con số này là 40% đối với công trình xây bằng vốn ngân sách nhà nước và 30% công trình xây bằng vốn tư nhân đạt tiêu chí xanh, mức tiêu thụ năng lượng đến năm 2030 giảm tiếp 5-10% so với năng 2020.

Bộ Xây dựng đã tiến hành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển công trình xanh, làm rõ trong hệ thống pháp luật các khái niệm, thuật ngữ công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Bên cạnh đó, đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Bộ cũng sớm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Ngoài ra, Bộ đã nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Đồng thời xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chứng nhận công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam; bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện hàng lang pháp lý, khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ sạch trong quá trình xây dựng.

Tuy nhiên, “công trình xanh” là vấn đề địa phương do đó cần có một hệ thống đánh giá công trình xanh như các nước đang tiến hành, ứng dụng cụ thể vào Việt Nam. Hệ thống đánh giá này phải được xây dựng trên một hệ thống chứng thực rõ ràng, lấy phương thức định lượng để kiểm tra hiệu quả, đồng thời đưa ra thị trường những hạn chế và quy định, thúc đẩy nghiên cứu các yếu tố môi trường trong quá trình thiết kế, vận hành, quản lý và bảo vệ, hướng kiến trúc phát triển trên quỹ đạo tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Các kiến trúc sư trong quá trình thiết kế cần nắm vững cơ sở về điều kiện khí hậu địa phương, thông thạo các lĩnh vực liên quan như sản xuất năng lượng, tái chế chất thải, sử dụng có hiệu quả năng lượng và vật liệu... nhằm tạo lập một phong cách kiến trúc mới trên cơ sở truyền thống Việt Nam bắt nguồn từ điều kiện thiên nhiên, khí hậu, và các phong tục, tập quán, văn hoá bản địa, kết hợp với các tiêu chí “xanh” trong thời hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp phát triển công trình xanh ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO