Giải pháp quản lý cá nhân vận động từ thiện phù hợp

DIỄM NGỌC 19/10/2021 05:00

"Với hoạt động từ thiện tự phát của cá nhân thì không cần cấm đoán mà nên cho phép hoạt động theo các quy định của Bộ Luật Dân sự, phù hợp đạo đức xã hội".

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, trong đó có giao Bộ Tài chính rà soát các quy định về quản lý tài chính đối với hoạt động vận động gây quỹ từ thiện; kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch, giải quyết các vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Xoay quanh chủ đề này, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp để hiểu rõ hơn về các quy định.

TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

- Thưa Luật sư, ông có đánh giá thế nào về các hoạt động từ thiện trong thời gian qua?

TS.LS. Đặng Văn Cường: Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cùng với hiện tượng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung vào năm 2020, hay nạn hạn mặn tại các tỉnh miên Tây,... đã gây ra nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân trên cả nước nói chung và tại các vùng gặp thiên tai nói riêng. Chính vì vậy, nhiều tổ chức từ thiện ra đời, cùng với đó là nhiều cá nhân là các văn nghệ sỹ có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng cũng đứng lên kêu gọi từ thiện, nổi bật như nghệ sỹ Hoài Linh, ca sỹ Thuỷ Tiên, hay MC Trấn Thành,...

Tuy nhiên, các hoạt động từ thiện của nhiều nghệ sỹ được nhắc đến gần đây lại đang gây hoang mang dư luận, vì nhiều những nghi ngờ đồn đoán trên mạng xã hội, hiện chưa được xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Nếu để vụ việc kéo dài thì những vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn đến đạo đức xã hội, có nguy cơ gây ra mất đoàn kết, xung đột giữa các hội nhóm và làm giảm lòng tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế. Để kết luận đúng hay sai thì cần phải để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh mới có kết luận đúng đắn, chính xác và có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Vấn đề này, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể làm rõ trong thời gian hai tháng kể từ khi thụ lý tin báo để kết luận là có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kêu gọi từ thiện hay không. Nếu từ thiện bằng cái tâm, từ tiền, tài sản của mình thì người ta ít ồn ào.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều người từ thiện bằng tiền của người khác, kêu gọi người khác đóng góp ủng hộ nhưng lại thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội, trên báo chí một cách rầm rộ để đánh bóng tên tuổi, thậm chí vì lòng tham mà có thể chiếm đoạt số tiền mà các nhà hảo tâm gửi gắm...

- Theo Luật sư, những quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP về quản lý hoạt động từ thiện đến nay có còn phù hợp?

TS.LS. Đặng Văn Cường: Hiện nay, hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp trợ giúp xã hội được quy định bởi Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, và Thông tư số 72/2008/NĐ-CP ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính. Trong đó, có quy định nếu là cá nhân muốn nhận tiền, hàng cứu trợ một cách hợp pháp cần thành lập quỹ từ thiện. Đây là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục đích lợi nhuận.

Như vậy, rào cản của Nghị định 64/2008/NĐ-CP thể hiện rất rõ là “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân  nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.”, Chỉ có Hội Chữ Thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc và các quỹ được thành lập hợp pháp mới được phép kêu gọi vận động, tiếp nhận tiền quà từ thiện. Vì vậy, Quy định này là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, tinh thần tương thân tương ái, không phù hợp với các quy định của bộ Luật Dân sự về tặng cho tài sản, ủy quyền tặng cho tài sản. Quy định này gây ra tranh cãi nhiều trong xã hội thời gian gần đây, khiến nhiều người không dám kêu gọi, huy động, tiếp nhận và trao những phần quà từ thiện từ những nhà hảo tâm đến đồng bào đang gặp khó khăn, hoạn nạn.

Cần phải quy định về trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền hàng cứu trợ (ảnh minh hoạ)

Cần phải quy định về trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền hàng cứu trợ (ảnh minh hoạ)

- Vậy cần có sửa đổi, bổ sung như thế nào với Nghị định 64 cho phù hợp với bối cảnh hiện nay, thưa Luật sư?

Theo quan điểm cá nhân tôi, đối với hoạt động từ thiện, kêu gọi từ thiện tự phát của cá nhân, tổ chức thì không cần quy định cấm đoán, cản trở, hạn chế mà cho phép hoạt động theo các quy định của bộ Luật Dân sự, phù hợp với đạo đức xã hội. Trong trường hợp ai đó lợi dụng hoạt động này để trục lợi, lừa đảo thì đã có những chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý, trong đó không loại trừ trường hợp có thể áp dụng các quy định như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ Luật Hình sự năm 2015.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP có thể theo hướng ban hành một Nghị định để sửa đổi, bổ sung, hoặc có thể ban hành Nghị định mới thay thế cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Bởi, việc sửa đổi bổ sung Nghị định 64/2008/NĐ-CP sẽ kéo theo sửa đổi bổ sung một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ nhất, cần mở rộng đối tượng được vận động, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng từ thiện là cần thiết. Đồng thời cần bổ sung các hình thức vận động, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối tiền hàng cứu trợ cho đồng bào sao cho đạt hiệu quả, cần quy định chặt chẽ hơn nữa trách nhiệm của các ban ngành, cơ quan chức năng.

Thứ hai, văn bản pháp luật tới đây thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP sẽ làm rõ từng hoạt động: Vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân trong hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm vận động, phương pháp vận động, hình thức vận động cũng như các hoạt động tiếp nhận, phân phối, sử dụng các loại hàng hóa, tiền từ thiện như thế nào.

Ngày nay, công nghệ phát triển thì việc vận dụng các phương tiện điện tử, huy động khả năng của mọi tổ chức, cá nhân trong việc vận động là cần thiết, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, của các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, của các cơ quan đoàn thể cần phải cụ thể hơn.

Thứ ba, cần phải quy định về trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền hàng cứu trợ. Cần phải quy định cơ chế phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể, các cơ quan chức năng sao cho hoạt động từ thiện đạt hiệu quả.

Thứtư, văn bản pháp luật phải phù hợp với các quy định pháp luật khác, đặc biệt là phù hợp với quy định của bộ Luật Dân sự và các chuẩn mực đạo đức xã hội, phải khơi gợi được lòng yêu nước, tình yêu thương giữa con người và tạo cơ hội cho mọi người dân Việt Nam thực hiện hoạt động thiện nguyện một cách có hiệu quả, đảm bảo huy động, phát huy được nguồn lực trong xã hội, giúp đỡ kịp thời đồng bào đang gặp thiên tai, khó khăn.

Điều 5 của Nghị định 64 quy định:

“Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

4. Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.”

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Sẽ rà soát tài khoản ngân hàng huy động từ thiện của các nghệ sỹ

    16:30, 13/10/2021

  • Bộ Công an vào cuộc, ngân hàng rà soát tài khoản huy động từ thiện

    12:04, 03/10/2021

  • Bộ Công an: Làm rõ các tài khoản huy động từ thiện

    01:48, 03/10/2021

  • Lùm xùm từ thiện: Khi chuyện không còn của riêng cá nhân nghệ sĩ

    05:00, 21/09/2021

  • Lùm xùm sao kê tài khoản: Cần minh bạch hoạt động từ thiện

    04:20, 11/09/2021

  • Dùng tài khoản cá nhân để quyên tiền từ thiện là không đúng pháp luật

    04:30, 10/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp quản lý cá nhân vận động từ thiện phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO