Hàng chục triệu việc làm trên toàn cầu bị mất đi do ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ…
Điều này đang tác động trực tiếp tới nguồn thu nhập của người lao động và nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa phát đi thông báo cho thấy, cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 dự kiến sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý II/2020 – tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian.
Châu Á - Thái Bình Dương tổn hại nặng nhất
Theo ILO, những khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất dự kiến là các nước Ả Rập (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), Châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian), và Châu Á-Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian).
Các nhóm quốc gia chia theo mức thu nhập đều chịu tổn thất nặng nề, nhưng trong đó, các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất (mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian). Những con số này cho thấy sức tàn phá của đại dịch COVID-19 vượt xa tác động của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.
Con số tổng kết về tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong toàn bộ năm 2020 sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các diễn biến dịch bệnh sắp tới và các biện pháp, chính sách ứng phó dịch bệnh. Có khả năng cao là con số tổng kết cuối năm nay sẽ cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu của ILO là 25 triệu người thất nghiệp.
Đáng chú ý, có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương 3,3 tỷ người hiện đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết, các doanh nghiệp và người lao động trên toàn cầu đều đang phải đối mặt với thảm họa, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. “Chúng ta phải hành động nhanh chóng, quyết đoán và trên cơ sở phối hợp tốt. Các biện pháp đúng đắn và cấp bách có thể tạo ra sự thay đổi và quyết định tương lai của chúng ta là tiếp tục tồn tại hay sụp đổ”, ông Guy Ryder nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 10/04/2020
06:35, 10/04/2020
Cần tập trung vào bốn trụ cột
Báo cáo của ILO cho thấy, có tới 1,25 tỷ lao động đang làm việc trong các ngành được xác định là có nguy cơ cao sẽ gia tăng “một cách chóng mặt và nghiêm trọng” tỷ lệ sa thải cũng như giảm lương và số giờ làm việc. Với nhiều người lao động đang làm các công việc yêu cầu kỹ năng thấp, vốn đã bị trả lương ít ỏi, thì việc đột ngột mất thu nhập sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề.
Theo ILO, cần có các biện pháp chính sách trên diện rộng và đồng bộ, tập trung vào bốn trụ cột để ứng phó với dịch bệnh: hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; kích thích nền kinh tế và việc làm; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; và sử dụng đối thoại xã hội giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động để tìm kiếm giải pháp thích hợp.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nói rằng, trong và sau đại dịch COVID-19, có hai công cụ chính có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực và giúp phục hồi niềm tin của công chúng. Thứ nhất là đối thoại xã hội – đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ. Công cụ này đóng vai trò quan trọng để xây dựng niềm tin của công chúng và hỗ trợ các biện pháp mà chúng ta cần thực hiện để vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Thứ hai là các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Các tiêu chuẩn này cung cấp một nền tảng đã được thử nghiệm và khẳng định dành cho các phản ứng chính sách tập trung vào việc phục hồi một cách bền vững và công bằng.
“Chúng ta cần làm tất cả mọi thứ cần thiết để giảm thiểu thiệt hại đối với con người trong thời điểm khó khăn này”, ông Guy Ruder khẳng định.
ILO cũng khuyến nghị người sử dụng lao động cần có nhiều hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt là thời điểm dịch đang diễn ra hiện nay cũng như thời kỳ hậu COVID – 19. Theo đó, các doanh nghiệp cần thực hiện những khuyến nghị của chính quyền cấp trung ương và địa phương và truyền tải những khuyến nghị đó tới lực lượng lao động.
Bên cạnh đó, cần rà soát những chính sách tại nơi làm việc hiện có để đảm bảo những chính sách đó cung cấp đầy đủ hỗ trợ cho người lao động. Đặc biệt, cần vận dụng những thực tiễn tốt khi triển khai thực hiện chính sách trên cơ sở đối thoại xã hội, pháp luật lao động quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Ngoài ra, cần đảm bảo mọi người lao động đều được tiếp cận với những biện pháp hỗ trợ tại nơi làm việc, không phân biệt đối xử và đảm bảo mọi người lao động đều nắm bắt, hiểu và cảm thấy thoải mái khi áp dụng những chính sách này.
Không những thế, cần đấu tranh chống phân biệt đối xử và kỳ thị xã hội tại nơi làm việc thông qua hỗ trợ đào tạo và các cơ chế báo cáo bảo mật và an toàn; đồng thời hỗ trợ các biện pháp bảo trợ xã hội của Chính phủ phù hợp với Công ước về An sinh Xã hội (Tiêu chuẩn Tối thiểu) của ILO, 1952 (Số 102) và Khuyến nghị số 202 của ILO về Sàn An sinh Xã hội. Các biện pháp này có thể bao gồm trợ cấp cho người lao động để được tiếp cận bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và mất khả năng làm việc, trợ cấp thai sản và nên mở rộng diện bao phủ của các chính sách này tới người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức…