GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, chúng ta không nên quá “lo lắng” về vấn đề hạn điền. Cái cần quan tâm nhất lúc này là mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc không thu hút được doanh nghiệp vào nông nghiệp liên quan đến câu chuyện thời hạn sử dụng và hạn điền. Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ để xuất, vẫn nên quy định thời hạn sử dụng đất, nhưng đồng thời “tự động” chuyển sang giai đoạn sử dụng với thời hạn mới nếu không có “vướng mắc” điều gì. Lúc này sẽ giải phóng được “ách tắc” về mặt tư duy, đó là thay vì chỉ được sử dụng trong thời hạn 50 năm, sau đó “không biết thế nào”, “nhà nước lấy lại thì sao”…
Ách tắc vì “không biết thế nào”
Giải phóng tâm trạng “không biết thế nào” để người nông dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn vào đất đai. Đầu tư vào nông nghiệp để khôi phục, nâng cấp nhằm được đánh giá cao hơn đối với mục đích nông nghiệp thì cần phải có thời gian. Ví dụ, thủy lợi như thế nào, cách thức đưa công nghệ cao vào nông nghiệp ra sao… “Chính vì vậy, khi đưa ra quy định thời hạn, nhưng nếu không có gì bất thường thì coi như người nông dân được tự động chuyển sang thời hạn mới. Việc này đã được quy định trong nghị định, nhưng cần được chuyển nghị định này vào trong luật để cho người dân thực sự yên tâm”, ông Võ nói.
Về vấn đề hạn điền, GS. Đặng Hùng Võ đánh giá, hạn điền được đặt ra chỉ làm một “nhiệm vụ”, đó là không để hình thành giai cấp địa chủ mới. Nhưng đôi khi sự “đề phòng” lại không “đón lõng” được những cái sai thì cũng không nhất thiết phải “đề phòng”.
GS. Võ phân tích, địa chủ mới ở các nước sẽ là các “đại gia” phi nông nghiệp chứ không phải “đại gia” nông nghiệp. Do đó, điều cần quan tâm lúc này là phải quản lý được mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân. Bởi nông dân là người “yếu thế”, còn doanh nghiệp luôn ở “thế mạnh”.
Vậy, cơ chế nào sẽ hạn chế được tình trạng lấy đất của nông dân nhưng vẫn phù hợp pháp luật? GS. Võ cho rằng, chúng ta không cần chống địa chủ mới tích tụ đất đai, nhà nước phải có những cơ chế bảo vệ lợi ích của người nông dân đang ở “thế yếu”.
Có thể bạn quan tâm
04:50, 28/11/2019
09:20, 25/11/2019
14:00, 04/11/2019
11:03, 11/11/2018
“Chính vì vậy, hạn điền không phải là vấn đề cần quan tâm như hiện nay. Cái cần là mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân, để không hình thành tầng lớp địa chủ mới. Đây là kinh nghiệm các nước công nghiệp phát triển, họ không quan tâm địa chủ mới hình thành từ nông dân, mà chỉ quan tâm địa chủ mới kiêm tư sản mới nằm trong khối doanh nghiệp”, ông Võ nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Việt Nam, việc chúng ta chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là do một loạt các nhân tố. Trọng tâm liên quan đến việc không tạo ra được tích tụ đất đai cho doanh nghiệp là do bị hạn chế hạn điền. Tuy nhiên, theo ông Cường, nếu đầu tư đất đai vào sản xuất dưới góc độ là doanh nghiệp thì không bị giới hạn bởi hạn điền, chỉ cá nhân, các hộ kinh doanh thì mới bị ảnh hưởng.
“Nhưng đây cũng chỉ là một trong các yếu tố để khó thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp. Điều khó khăn hơn với các doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai, đó chính là làm thế nào để các nhà đầu tư có thể nhận được đất đai đang bị phân tán tại các hộ gia đình”, ông Cường bày tỏ.
Vấn đề đặt ra ở đây, theo ông Cường, đó là cần có sự sửa đổi Luật Đất đai 2013 liên quan đến quyền của doanh nghiệp trong việc được tiếp cận đất đai thông qua hình thức thuê đất, huy động đóng góp đất đai dưới dạng cổ phần hoặc nhận chuyển nhượng đất đai. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể thỏa thuận được với người dân trong tiếp cận đất nông nghiệp.
Có một vấn đề dư luận còn băn khoăn, tăng hạn điền sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, nhưng cũng cần lưu ý đến tình trạng đầu cơ đất đai hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất…? Đánh giá về vấn đề này, ông Cường cho rằng, chúng ta phải phân biệt thế nào là tích tụ đất đai cho sản xuất, thế nào là đầu cơ đất đai. Việc chúng ta bổ sung những quy định chặt chẽ trong Luật Đất đai 2013, sẽ khắc phục được tình trạng lợi dụng mở rộng hạn điền nhằm đầu cơ đất đai.
Nếu doanh nghiệp tập trung và đưa diện tích đất đó vào sản xuất, đây là tập trung đất đai để sản xuất. Ngược lại, người dân hay doanh nghiệp lợi dụng chính sách nhằm thu gom đất đai nhưng không đưa đất đai vào sản xuất, thì bị coi là đầu cơ đất đai.
“Do đó, cần phải sử dụng chính sách thuế. Khi người dân, doanh nghiệp tích tụ đất nhưng không sử dụng thì sẽ bị tăng thuế. Ngược lại, nếu đưa đất vào sử dụng và tạo ra được sản phẩm đúng với mục đích sử dụng thì cần có chính sách giảm, thậm chí miễn thuế cho các đối tượng này”, ông Cường nói.