Khác biệt trong văn hóa có thể gây trở ngại cho tiến trình đàm phán giữa doanh nghiệp từ các quốc gia khác nhau. Chìa khóa để giải quyết vấn đề nằm ở sự tìm hiểu kĩ càng giá trị văn hóa của đối tác.
Từ khác biệt văn hóa
Hai đất nước nằm trên hai châu lục tách biệt, thấm nhuần những hệ tư tưởng khác nhau dẫn đến việc hình thành nên những giá trị văn hóa cốt lõi có rất ít điểm tương đồng.
Dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa tập thể, đề cao sự hòa hợp, nhường nhịn lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội cũng như sự tôn trọng và tinh thần hoàn thành tốt những nghĩa vụ được giao phó, giữ gìn danh dự cho bản thân và gia đình.
Trong khi đó, người dân Pháp đặt sự bình đẳng lên hàng đầu, tiếp sau đó là sự riêng tư, luôn tuân theo những quy tắc và nghi thức bất thành văn trong ứng xử hàng ngày và đặc biệt thích phê bình, tranh luận và thẳng thắn bày tỏ quan điểm, cảm xúc của bản thân.
Tuy những giá trị văn hóa nêu trên không thực sự mâu thuẫn với nhau, nhưng sự khác biệt đó lại có thể là nguồn gốc của những bất đồng trên bàn đàm phán.
Có thể bạn quan tâm
14:44, 11/07/2018
16:14, 14/07/2017
12:00, 07/06/2017
15:10, 04/06/2017
16:56, 01/03/2017
Đến mâu thuẫn trên bàn đàm phán
Một nghiên cứu trên mẫu 60 thương nhân đến từ cả Việt Nam và Pháp đã chỉ ra 3 vấn đề tiềm ẩn gây ra bởi sự khác biệt về văn hóa trong quá trình thiết lập mối quan hệ làm ăn giữa doanh nghiệp đến từ hai quốc gia, bao gồm:
Tiêu chí lựa chọn đàm phán viên: Bắt nguồn từ sự khác biệt giữa nét văn hóa “Tôn trọng” của Việt Nam và “Bình đẳng” của Pháp, trong khi người Việt có xu hướng chú trọng hơn vào chức vụ, thâm niên, vị trí công tác thì người Pháp lại quan tâm nhiều hơn đến năng lực chuyên môn và kinh nghiệm trên bàn đàm phán. Điều này có thể khiến phía Việt Nam thấy không thoải mái với việc phải đàm phán trực tiếp với những thương nhân Pháp trẻ hơn và có chức vụ thấp hơn một cách tương đối.
Cách thức đàm phán:Với nét văn hóa “Thích tranh luận”, người Pháp không ngại thể hiện thẳng thắn và gay gắt ý kiến của mình, khiến họ nhiều khi bị cho là lỗ mãng trên bàn đàm phán. Điều này có thể khiến đối tác Việt Nam cảm thấy bị xúc phạm và mất thời gian cho những tranh cãi không đáng có. Hơn nữa, đa số thương nhân Việt Nam tiếp cận bàn đàm phán với sự ưu tiên thảo luận những quy tắc, vấn đề chung nhất trước, trong khi thương nhân Pháp lại muốn bàn bạc cụ thể từng tiểu tiết rồi mới đi đến thỏa thuận chung, khiến cho việc thống nhất cách thức đàm phán gặp nhiều trở ngại.
Vấn đề quà tặng: Bên lề đàm phán, người Việt thường chú trọng đến các sự kiện giao lưu nhằm tăng tình hữu nghị, tạo dựng mối quan hệ thân tình với đối tác, đặc biệt là văn hóa tặng quà (thường là những đặc sản vùng miền của họ). Tuy nhiên, việc tặng quà này cần được cân nhắc kĩ càng, tránh việc đối tác Pháp hiểu nhầm thành ý sang một biểu hiện của sự hối lộ, không ngay thẳng.
Giải quyết mâu thuẫn bằng sự chuẩn bị kĩ càng
Để hạn chế những vấn đề có thể phát sinh trong đàm phán thương mại Pháp – Việt do sự khác biệt về văn hóa, thương nhân hai bên có thể áp dụng một vài giải pháp sau:
Thứ nhất, cả thương nhân Việt Nam và Pháp nên dành thời gian tìm hiểu về văn hóa của đối tác biểu hiện qua cách suy nghĩ, quy tắc hành xử… Khi đã có những kiến thức nhất định về văn hóa của đối tác, mỗi bên nên thử dự liệu trước những vấn đề có thể gặp phải trong quá trình đàm phán và cách giải quyết chúng. Chắc chắn, với việc chuẩn bị kĩ càng về mặt thông tin, những sự hiểu lầm và những cú sốc văn hóa sẽ được giảm xuống mức tối thiểu trong khi đàm phán.
Thứ hai, phía Việt Nam cần lưu ý đến nét văn hóa “thích tranh luận” của người Pháp, từ đó không cảm thấy bất ngờ, khó chịu trước những lời nói, thái độ thẳng thắn, công kích của đối tác trên bàn đàm phán.
Và cuối cùng, đối với những hoạt động bên lề nhằm xây dựng mối quan hệ thân tình giữa hai bên, phía Việt Nam không nên tỏ ra quá nhiệt tình, vồ vập trong những lần gặp gỡ đầu tiên, hãy lưu ý đến nét văn hóa thích sự riêng tư của người Pháp. Mặt khác, việc tặng quà cho thương nhân Pháp nên được thực hiện xa bàn đàm phán, và mục đích tặng quà để tăng tình hữu nghị nên được thể hiện rõ ràng để tránh những hiểu lầm không đáng có.