Với hàng loạt các FTA thế hệ mới có hiệu lực trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia lo ngại, các tranh chấp đầu tư quốc tế sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg năm 2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.
Số vụ tranh chấp đầu tư gia tăng
Kể từ khi phát sinh vụ tranh chấp đầu tư quốc tế đầu tiên (năm 2010), số lượng các vụ tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài đã tăng lên đáng kể.
Tính đến tháng 9/2019, theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Tư pháp, có 10 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tại trọng tài quốc tế, 22 vụ nhà đầu tư thông báo ý định khởi kiện trong năm 2019, 19 vụ việc khác đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng Việt Nam và 129 vụ việc khác đang được giải quyết tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đáng nói, một khi xảy ra tranh chấp, dù thắng hay thua, ít nhiều Việt Nam cũng sẽ bị thiệt hại. Một ví dụ điển hình là cuối năm 2014, Hội đồng Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành Phán quyết vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie bị bác bỏ; song mỗi bên phải trả một nửa chi phí trọng tài và tự chịu các chi phí về luật sư của mình theo quy định của Quy tắc trọng tài của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL).
Không chỉ vậy, đứng trước bối cảnh các hội đồng trọng tài đầu tư quốc tế có xu hướng đưa ra phán quyết về số tiền bồi thường cho nhà đầu tư ngày càng lớn, nếu bị kiện, Chính phủ Việt Nam không chỉ tốn thời gian, chi phí cho việc tham gia các vụ kiện mà còn phải đối mặt với những khoản bồi thường rất lớn nếu thua kiện.
Cùng với đó, một khi xảy ra tranh chấp trong đầu tư quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có ấn tượng tiêu cực về môi trường pháp lý không minh bạch và việc thực thi cam kết quốc tế kém hiệu quả. Những hệ lụy này khó lượng hóa, nhưng đôi khi còn lớn hơn chi phí trực tiếp rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI cho biết, quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước chủ tại các FTA thế hệ mới có tính bắt buộc thi hành cao, mang tính bảo vệ cao cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ví như quy định trong trường hợp nước nhận đầu tư bị thua kiện mà không tuân thủ phán quyết của trọng tài vẫn có cơ chế buộc nhà nước phải thực thi bản án.
Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong quá trình thực hiện, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý nhà nước về đầu tư làm phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các thiệt hại phát sinh cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về việc xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm dẫn đến khiếu kiện gây thiệt hại ngân sách nhà nước theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Khi đã bị kiện thì nỗ lực của các cơ quan liên quan trong giải quyết tranh chấp chỉ là giảm thiếu tối đa bất lợi cho Chính phủ chứ không thể sửa đổi được những sai sót của các cơ quan liên quan làm phát sinh tranh chấp. Do vậy, vấn đề quan trọng hơn là ngăn chặn các sai sót có thể xảy ra ngay từ quá trình quản lý đầu tư nước ngoài.
Hơn thế nữa, quan hệ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam ngày càng phong phú và đa dạng. Do đó nếu nhà đầu tư, cơ quan nhà nước ở địa phương không nắm bắt và thực hiện đúng cam kết quốc tế, bên cạnh việc thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam thì số lượng các vụ việc còn có thể tăng cao hơn nhiều trong thời gian tới với tính chất mức độ, phức tạp hơn.
Dĩ nhiên, ai cũng hiểu giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế là giải pháp cuối cùng sau khi không thể thương lượng, hòa giải được. Để tránh thiệt hại cho cả hai phía, cần có những bước phòng ngừa rủi ro mà theo bà Bạch Thị Nhã Nam, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là căn cứ nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khởi kiện cho các cơ quan và cán bộ phụ trách lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại địa phương.
Để phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khuyến nghị, các cơ quan nhà nước cần đặt việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế bắt đầu từ rất xa, từ khi đưa ra chính sách, pháp luật, ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư cho đến tổ chức thực hiện đúng pháp luật. Cùng với đó, các yếu tố như con người, việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, việc dành các nguồn lực cho công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp cũng là một yếu tố quan trọng. “Và khi làm tốt được các yêu cầu này, sẽ tạo sự sẵn sàng cho tình huống phải tham gia vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế để bảo vệ quyền lợi chính đáng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
EVIPA: Cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ là thách thức với Việt Nam?
04:50, 01/07/2020
Lựa chọn hiệu quả cho giải quyết tranh chấp
04:00, 23/06/2020
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài Thương mại: Giảm áp lực cho tòa án, tiết kiệm thời gian và chi phí
10:02, 17/06/2020
Một số lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại
11:00, 10/04/2020