COVID-19 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, trong đó có hoạt động giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại hiện nay.
COVID-19 làm bùng nổ các tranh chấp hợp tác kinh doanh. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều là: du lịch lữ hành, những dịch vụ không phải là thiết yếu, các liên doanh trong công trình xây dựng, chuỗi phân phối hàng hoá không thiết yếu...
Quy trình giải quyết kéo dài
Giải quyết tranh chấp là một quá trình gồm nhiều giai đoạn và chủ thể tham gia. Do đó, một biến số như COVID-19 sẽ có thể tác động mang tính hệ thống đến quy trình giải quyết tranh chấp này, dẫn đến hệ lụy là thời gian giải quyết tranh chấp bị kéo dài.
Đối với các cơ quan tài phán, COVID-19 buộc các cơ quan này vừa phải nhanh chóng có biện pháp phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh theo chủ trương chung, vừa phải nỗ lực đảm bảo và hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động giải quyết tranh chấp, tránh bị cuốn vào tình trạng đình trệ hoặc đóng băng.
Còn từ góc độ doanh nghiệp – các bên tranh chấp, doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với việc các yêu cầu đưa ra chưa được giải quyết do trở ngại khách quan, mà còn đứng trước rủi ro về tài chính khi phải chịu các khoản phí phát sinh vì thời gian kéo dài hơn dự kiến.
Hay từ góc độ luật sư, các nhà tư vấn luật tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích của các bên, những cản trở trong tiếp xúc với khách hàng, gặp và làm việc với cơ quan tài phán, tiến hành tranh tụng… cũng phần nào khiến cho hoạt động của nhóm chủ thể này gặp nhiều khó khăn.
Theo quan sát của tôi, thời gian qua, nhằm thích ứng với hoàn cảnh, Tòa án hay Trọng tài đều đang nỗ lực đưa ra các biện pháp phù hợp để hỗ trợ các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Chỉ thị 02/2020 ban hành ngày 10/03/2020 vừa qua đã phản ánh được các biện pháp mà hệ thống Tòa sẽ áp dụng dưới áp lực từ dịch bệnh. Riêng với Trọng tài, dù hiện tại chưa có văn bản chính thức nào từ các cơ quan quản lý nhà nước, song các trung tâm cũng đang tự xây dựng phương án ứng phó trước tình hình hiện nay.
Nhìn chung, dù cơ chế xét xử khác nhau, nhưng hiện nay, Tòa án và Trọng tài đều làm việc thông qua hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là việc các bên đương sự sẽ đến trực tiếp trụ sở Tòa án hoặc Trọng tài để nộp hồ sơ, tài liệu, trao đổi thông tin hay tham gia các phiên triệu tập, phiên họp theo quy định.
Còn làm việc gián tiếp phản ánh thông qua quy trình trao đổi thông tin, văn thư qua các kênh như dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử hoặc một số phương thưc khác có ghi nhận việc gửi, đảm bảo theo quy định pháp luật. Dưới tác động của COVID-19, cả Tòa án và Trọng tài đều có định hướng hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp và khuyến nghị tăng cường các phương án trao đổi thông tin gián tiếp để đảm bảo an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Lựa chọn phương thức nào cho phù hợp
Xét xử là bước cuối cùng, điểm đến quyết định cho cả “chặng đường” mà các bên đã đi, chính bởi vậy, sự lo lắng của doanh nghiệp với vấn đề này là không tránh khỏi. Việc tạm dừng, hoãn một phiên xử, phiên họp đồng nghĩa với việc hoạt động giải quyết tranh chấp bị ngưng trệ, kéo dài sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi khoản nợ, các yêu cầu bồi thường… vẫn còn đang được “treo” ở đấy.
Khác với Tòa án, được xem là “cơ chế tài phán tư”, việc hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp được xem xét khi một hoặc các bên có đề nghị xin hoãn gửi đến Hội đồng trọng tài. Theo quy định tại Điều 57 Luật Trọng tài thương mại, căn cứ trên chứng cứ đưa ra cùng với đó là việc đề nghị bên còn lại cho ý kiến (nếu cần thiết), Hội đồng trọng tài sẽ ra quyết định về việc hoãn hay không hoãn phiên họp.
Như vậy, để tránh quy trình tố tụng bị ảnh hưởng, Hội đồng trọng tài có quyền xem xét sự chính đáng dựa trên chứng cứ mà bên yêu cầu đưa ra, tình hình hiện tại (chẳng hạn như COVID-19) và quyết định, chứ không phải bất kỳ trường hợp nào khi có yêu cầu, Hội đồng trọng tài cũng đồng ý hoãn.
Ngày nay, tuy rằng vẫn còn có hạn chế nhất định, song phương thức họp trực tuyến đã đáp ứng hầu hết các yếu tố cần thiết hỗ trợ cho một phiên họp giải quyết tranh chấp. Hình thức họp trực tuyến thật ra không quá xa lạ với chúng tôi, vì cách này đã được VIAC áp dụng và vận hành chuyên nghiệp trước đây cho nhiều phiên họp có yếu tố đặc biệt từ các chủ thể tham gia phiên họp. Theo tôi, đây là cái lợi của trọng tài, sự vận hành trong tố tụng trọng tài có phần linh hoạt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của các bên khi tiến hành giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, vừa qua, với mục tiêu phòng chống dịch, Văn phòng Chính phủ đã đưa ra thông báo chính thức về tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Trong bối cảnh tranh chấp có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng, việc tạm dừng cấp thị thực đồng nghĩa với việc các bên là người nước ngoài, Luật sư người nước ngoài, thậm chí là thành phần Hội đồng trọng tài là người nước ngoài, sẽ không thể tham dự được các phiên họp trực tiếp. Lúc này, hình thức xét xử bằng teleconference, video-conference sẽ là phương án tối ưu, giúp tiến độ vụ tranh chấp được kịp thời hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, phương pháp này chỉ được áp dụng nếu các bên đồng ý. Theo tôi, doanh nghiệp nên cân nhắc đến biện pháp khắc phục này. Rõ ràng, chúng ta đang công nghệ hóa, thực hiện 4.0 trên nhiều phương diện, và trong xét xử, “công thức online” cũng nên được đưa vào dần để hoạt động xét xử được thuận tiện hơn, nhất là trong các hoàn cảnh đặc biệt.
Có thể thấy, dịch bệnh COVID-19 đang là nỗi lo của toàn cầu, bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng cần có các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Tuy vậy, vấn đề giải quyết tranh chấp không nên bị ngừng trệ bởi đó là câu chuyện dài hạn của doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, khi phải đối diện với dịch bệnh, việc tạm dừng giải quyết các tranh chấp sẽ lại tạo thêm cản trở mới cho doanh nghiệp; chính bởi vậy, an toàn xét xử vẫn cần đi đôi với kịp thời, chất lượng để xoa dịu phần nào nỗi lo của các thương nhân.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 16/08/2021
11:00, 11/08/2021
05:30, 11/08/2021
07:00, 07/10/2020
05:10, 15/04/2020
11:20, 04/04/2020
05:50, 15/02/2020