Giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ như thế nào?

Diendandoanhnghiep.vn Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định dù tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến, nhưng tranh chấp được giải quyết rất thấp.

-Thưa luật sư, ông có đánh giá như thế nào về tình trạng vi phạm bản quyền và xâm hại sở hữu trí tuệ thời gian qua?

Phải nói rằng tại Việt Nam tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền tác giả nói riêng diễn ra một cách phổ biến. Rất nhiều trường hợp vi phạm nhưng chưa được xử lý một cách triệt để, thời gian xử lý kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền của người bị xâm hại, ý thức và hiểu biết của người dân về sở hữu trí tuệ thấp dẫn đến việc ngang nhiên sử dụng mà không có sự cho phép của người có quyền.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

-Luật sư có thể đưa ra những vụ tranh chấp điển hình trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong thời gian qua?

Có thể kể đến vụ tranh chấp về bản quyền tác giả đối với truyện tranh “Thần đồng đất việt” giữa nguyên đơn là họa sĩ Lê Linh và bị đơn là Công ty Phan Thị, đồng bị đơn là bà Phan Thị Mỹ Hạnh, vụ án này kéo dài hơn 10 năm, là một vụ án điển hình phản ánh thực trạng thời gian xử lý các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, gây mệt mỏi cho người khởi kiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Một vụ án khác cũng rất đáng chú ý là vụ án tranh chấp bản quyền vở diễn Thuở ấy xứ Đoài giữa nguyên đơn là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và bị đơn là Công ty DS của đạo diễn Việt Tú.

Ngoài ra, nhiều liveshow của các ca sĩ cũng bị các nhạc sĩ lên tiếng tố cáo về việc biểu diễn nhưng không xin phép có thể kể đến như: liveshow “Giọng ca vàng hải ngoại Chế Linh - Ai cho tôi tình yêu" của Công ty cổ phần sự kiện Sao Hải Ngoại tổ chức tại Đồng Nai và An Giang; liveshow “Câu chuyện Bằng Kiều”, ngày 18 và 19/8/2018 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội); liveshow Ưng Hoàng Phúc, ngày 10/3/2018 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội)…

-Luật sư cho biết những tổn hại về mặt kinh tế cũng như thương hiệu khi phát sinh tranh chấp hoặc có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

Phải nói rằng thiệt hại về mặt kinh tế là rất lớn, những nhà đầu tư quốc tế, đặt biệt là về công nghệ sẽ không dám đầu tư vào một quốc gia không bảo hộ tốt về quyền sở hữu trí tuệ cho họ, từ đó làm giảm sức hút đầu tư nước ngoài.

Khi có tranh chấp phát sinh, chi phí, thời gian phải bỏ ra để theo đuổi vụ tranh chấp là rất lớn, chính vì thế nhiều người bị xâm phạm nhưng vẫn bỏ qua do e ngại về những yếu tố trên. Đôi khi số tiền bồi thường họ nhận được không đủ để bù đắp chi phí đã bỏ ra. Việc đó gây tốn kém, lãng phí, không bảo vệ được người bị xâm phạm.

Về phía người bị tố có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng có những tổn hại nhất định. Như những ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà biên kịch,… là những người có hình ảnh và được công chúng biết đến, khi xảy ra tranh chấp mặc dù chưa xác định được có hành vi vi phạm hay không, nhưng phần nào đó, hình ảnh của họ trong mắt công chúng cũng bị ảnh hưởng. Chính vì thế, đối với các tranh chấp về sở hữu trí tuệ cả hai bên đều có những tổn hại nhất định.

-Luật sư cho biết cần làm gì để khắc phục trình trạng tranh chấp hoặc xâm phạm quyền sở hữu trong cộng đồng dân cư?

Khi sáng tạo ra một sản phẩm thuộc đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, thì người sáng tạo làm những thủ tục cần thiết tuyên bố sở hữu đối với những sản phẩm của mình, phải đăng ký ngay trước khi ra mắt công chúng hoặc đưa vào sử dụng. Khi đó sản phẩm được pháp luật bảo vệ, ghi nhận quyền tác giả, quyền sở hữu đối với sản phẩm, nếu có xảy ra tranh chấp sẽ không gặp khó khăn trong vấn đề chứng minh quyền của mình.

Mặt khác, các cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần quyết liệt hơn trong việc xử lý, rút ngắn thời gian xử lý nhằm bảo vệ quyền cho người bị xâm phạm. Đặc biệt đối với những vụ việc như xâm phạm quyền tác giả âm nhạc, việc chứng minh vi phạm sẽ dễ hơn đối với những loại tranh chấp sở hữu trí tuệ khác, nên cần được rút ngắn thời gian xử lý, tránh kéo dài.

Ngoài ra, công chúng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa đối với hành vi vi phạm bản quyền. Xét riêng về xâm phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn, những người vi phạm thường là những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với công chúng, họ rất chú trọng về mặt hình ảnh. Chính vì thế, nếu công chúng có hiểu biết pháp luật về sở hữu trí tuệ, góp tiếng nói của mình vào việc bảo vệ tác quyền, thì những người vi phạm sẽ dè chừng, cẩn thận hơn trong quá trình sử dụng sản phẩm.

-Vậy đối với doanh nghiệp, cá nhân cần xử lý như thế nào khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thưa ông?

Như đã trình bày, cả hai bên trong tranh chấp sở hữu trí tuệ đều có những thiệt hại nhất định, chính vì thế khi có hành vi vi phạm, các bên nên gặp nhau để thương lượng thỏa thuận trên tinh thần hợp tác, tránh gây chú ý.

Việc thương lượng phải được dựa trên những chứng cứ mà phía người bị vi phạm cung cấp, phân tích dựa trên các quy định của pháp luật để có sự thống nhất chung. Có thể có sự tham gia của cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Cách thức giải quyết cuối cùng là khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền, đây không phải là phương án tối ưu do sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả hai bên, nhưng nếu việc thỏa thuận không thành, người bị xâm phạm phải khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

-Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ như thế nào? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714067746 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714067746 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10