Giải quyết triệt để các dự án treo

THIÊN BÌNH 29/10/2018 14:00

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ TN&MT nghiên cứu đề xuất phạt chủ dự án 30% tiền sử dụng đất nếu để chậm 1 năm không sử dụng.

Không ít trường hợp khi giao dự án doanh nghiệp chuyển nhượng hết người này sang người khác để ăn chênh lệch giá.

Không ít trường hợp dự án treo do doanh nghiệp chuyển nhượng để ăn chênh lệch giá

Cho tới nay, các bộ ngành chưa công bố một con số mang tính tổng thể nào về số lượng những dự án treo trên cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có tới hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn dự án trên cả nước bởi chỉ riêng ở Hà Nội, thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng hơn 500 dự án chậm, thậm chí “chết lâm sàng” từ năm 1997.

Thiếu cương quyết từ phía chính quyền

Có đủ loại dự án treo từ các khu đô thị xây mãi không xong đến những khu công nghiệp từng được quy hoạch với quy mô cực lớn. Không khó để tìm ra những cái tên trị giá nghìn tỉ mà “chết lâm sàng” cả chục năm như dự án KCN Kenmark - Việt Hòa, với diện tích hơn 46ha nằm ở vị trí đắc địa, giáp quốc lộ 5 (TP.Hải Dương). Dự án này do Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark (Cty Kenmark) của Đài Loan đầu tư từ năm 2006 với tổng vốn đầu tư lên tới trên 98,4 triệu USD. Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) tại huyện Hóc Môn và Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) tại quận 10 do Tập đoàn Berjaya (Malaysia) được UBND TPHCM cấp phép đầu tư.

Tại Hà Nội, một số dự án chậm triển khai để trống các lô đất như Tháp Tài chính Quốc tế - IFT (quận Cầu Giấy), dự án Tháp Thiên Niên Kỷ (quận Hà Đông), dự án 131 Thái Hà... không chỉ gây lãng phí nguồn lực về đất đai mà còn khiến hàng nghìn người dân trong diện giải phóng mặt bằng phải sống lay lắt, tạm bợ.

Nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai chủ yếu do khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung ở câu chuyện đền bù giải tỏa giữa chính quyền, doanh nghiệp với người dân. Do năng lực của nhà đầu tư còn yếu; quá trình triển khai các dự án gặp khó khăn trong huy động vốn hoặc do cùng lúc đầu tư vào nhiều dự án khiến nhà đầu tư "hụt hơi".  

Quan trọng nhất không ít các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi là do sự thiếu cương quyết của chính quyền trong quản lý. 

Cần cơ chế ràng buộc chủ đầu tư

Để hạn chế dự án treo, TS Nguyễn Việt Cường –  Chủ tịch HĐQT Kosy Group cho rằng việc đầu tiên cần giải quyết là cơ chế GPMB. Theo cơ chế hiện nay nhà đầu tư tự thỏa thuận với người được đền bù là cơ chế hợp lòng dân, đền bù sát với giá thị trường, ít xảy ra khiếu kiện và khiếu nại. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có số ít dự án khi tiến hành đền bù gặp phải rất nhiều trở ngại, khó khăn do không thỏa thuận được với một bộ phần người dân, nên dự án kéo dài, chậm tiến độ gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Vì thế đối với việc GPMB khi dự án đền bù đạt tối thiểu 70% thì 30% còn lại nếu không đền bù được thì có thể giải quyết theo 2 phương án. Phương án 1, đó là Nhà nước can thiệp để tiến hành GPMB cho nhà đầu tư. Phương án 2, đó là cho phép Nhà đầu tư được khởi kiện ra tòa để tiến hành GPMB cho dự án.

Đối với vấn đề thu hồi dự án khi chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng hiện có rất nhiều điểm bất hợp lý. Theo đó, hiện nay Nhà nước thu hồi đất kèm theo mọi tài sản nhà đầu tư đã đầu tư trên đất đối với các dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng. Ông Cường cho rằng, cơ chế thu hồi "trắng" như vậy là trái với nội dung Nghị quyết số 19 – Nghị quyết Trung ương ngày 31/10/2012, thông qua Hội nghị Trung ương 6 – khóa XI: "Nhà nước thực hiện chính sách thuế lũy tiến đối với các dự án đầu tư chậm hoặc bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn theo quy định của pháp luật".

Về lâu dài ông Cường kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 theo hướng xử lý đối với những dự án chậm tiến độ bằng cách đóng thuế lũy tiến như nội dung Nghị quyết 19. Nhà nước có thể phạt nhà đầu tư bằng tiền để buộc nhà đầu tư phải tự quyết định hoặc là tìm cách tập trung đầu tư, tìm đối tác để liên doanh hoặc là chuyển nhượng mà không cần Nhà nước phải can thiệp.

Trong trường hợp tìm được nhà đầu tư khác có năng lực, với khả năng tài chính tốt có thể cho họ làm lại quy hoạch mới hoặc làm theo quy hoạch cũ nhưng ràng buộc họ phải cam kết cụ thể thời gian thực hiện và phải ký quỹ đảm bảo cho dự án được triển khai đúng tiến độ. Một khi làm được những điều trên chắc chắn các dự án “treo” sẽ không còn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải quyết triệt để các dự án treo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO