GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Không để nền kinh tế "lỡ nhịp"!

DIỄM NGỌC 27/10/2021 18:59

Bên cạnh việc thúc đẩy cải cách chính sách tài khoá, tiền tệ và tín dụng, ý chí của các địa phương về phòng chống dịch là rất quan trọng, vì sự phát triển chung để đồng lòng phục hồi kinh tế.

Cải cách chính sách tài khoá

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là vấn đề về dòng tiền, thanh khoản, người lao động, khó khăn trong đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng, khó khăn trong chi phí đầu vào, phòng chống dịch tăng, trong khi giá đầu ra khó tăng ngay.

Diễn đàn

Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Phát biểu tại Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính về các chính sách hỗ trợ COVID-19 cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ và tiết giảm chi phí, giữ chân người lao động, đồng thời tăng năng suất.

Đánh giá về các chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp, vị chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tiến độ triển khai hỗ trợ an sinh xã hội còn chậm (nhất là phần cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương mới giải ngân được khoảng 450 tỷ đồng – tương đương 6% hết tháng 9/2021).

Về dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ thời gian tới, ông Lực cho biết thâm hụt Ngân sách Nhà nước và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực, trong khi có cơ hội tăng vay nợ trong nước và vay quốc tế với lãi suất thấp. Trong khi đó, quy mô hỗ trợ tài khóa còn khá khiêm tốn và các cân đối lớn (thâm hụt Ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu Ngân sách nhà nước, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn.

chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt (nhất là đối với lao động tự do) còn thấp và việc tung ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách hạn hẹp, nợ xấu tiềm ẩn tăng, áp lực lạm phát tăng… trong khi nền kinh tế có dấu hiệu “lỡ nhịp”, “tụt hậu” trong quá trình phục hồi”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

Liên quan tới các chính sách tài khoá, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị, Việt Nam cần chính sách tài khoá bằng tiền thật cho doanh nghiệp, nhiều quốc gia cũng hỗ trợ doanh nghiệp, muốn nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách thì phải tạo nguồn thu cho doanh nghiệp. Trong đó có vấn đề về quỹ bảo lãnh Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh, hiện có tỉnh có tỉnh không; Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT vốn điều lệ 2.000 tỷ nhưng hoạt động như thế nào không rõ (?).

Đồng thời, ông Hùng đề xuất các giải pháp để mở rộng hỗ trợ từ phía tài khóa như Chính phủ tăng "vay tiền" Ngân hàng Trung ương, phát hành trái phiếu,... qua đó có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn.

Đồng bộ chính sách

Chia sẻ trong Diễn đàn, ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội hàng không Việt Nam cho biết, với lĩnh vực hàng không các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả kéo dài của dãn cách, chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa thể nhanh chóng khôi phục, các khoản nợ phải trả đã dồn lại phải thanh toán lớn, tâm lý e ngại của khách hàng không thể nhanh chóng khắc phục, nhiều địa phương còn rất thận trọng trong việc mở cửa cho hệ thống giao thông, trong đó có giao thông hàng không.

Do đó, Nhà nước cần xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây là căn cứ quan trọng nhất để các ngành kinh tế, trong đó có ngành giao thông, đặc biệt là ngành hàng không có phương án và kế hoạch cụ thể về phục hồi, phát triển các hoạt động của mình.

Cùng với đó, khôi phục thị trường vận chuyển hành khách ,trong đó có thị trường vận chuyển hàng không; sớm có chính sách đồng bộ, thống nhất từ TW đến địa phương phù hợp linh hoạt và thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn trong bối cảnh mới”, ông Nề đề nghị.

ông Nguyễn Văn Phụng

ông Nguyễn Văn Phụng

Về các giải pháp liên quan tới chính sách hỗ trợ cho phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Văn Phụng Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề xuất, bên cạnh giải pháp về vĩ mô, quyền kinh doanh, chi tiêu công mà doanh nghiệp có cơ hội tham gia triển khai để tăng sức lan toả; cần phải có chính sách đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau, bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để doanh nghiệp có thể thực hiện.

“Mặt khác, cần tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia và chia sẻ cùng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh. Đã đến lúc phải huy động nguồn lực của người dân, trong đó có sự đóng góp của doanh nghiệp”, ông Phụng nói.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, cần thực hiện mạnh mẽ 2 chương trình bao gồm:

Thứ nhất, đó là nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động (đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…).

Thứ hai, là nhóm thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan và kiểm tra chuyên ngành). Quy mô xuất khẩu đang rất lớn nên nếu quá trình làm thủ tục này được rút ngắn, thì hiệu quả tạo ra sẽ rất lớn.

Ngoài ra, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà, tổn tại tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Một mặt hàng có thể bị quản lý cùng lúc bởi nhiều Bộ ngành. Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thống nhất công tác chống dịch

Trong suốt quá trình dịch bệnh bùng phát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh thành phía Nam, dẫn đến những khó khăn rất lớn cho hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh vận tải và logistics, tác động tiêu cực đến doanh thu, lợi nhuận đồng thời gia tăng chi phí cao cho doanh nghiệp logistics trong nỗ lực nhằm duy trì sản xuất kinh doanh theo yêu cầu “3 tại chỗ”, cũng như công tác phòng chống dịch.

Ông Đào Trọng Khoa

Ông Đào Trọng Khoa

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Tổng giám đốc T&M Forwarding chia sẻ, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 và 16+ nên việc đi lại hoặc thay thế người lao động làm việc tại công ty gặp trở ngại. Yêu cầu người lao động, lái xe đều phải xét nghiệm COVID-19 làm tăng chi phí của các doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Do đó, đề nghị các điạ phương thống nhất quy định về phòng chống dịch trong hoạt động vận chuyển lưu thông hàng hoá và kiểm soát các lái xe. UBND Tỉnh, Thành phố nơi có các cửa khẩu quốc tế đường biển, đường hàng không phải ưu tiên phân “luồng xanh” cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ kết nối với các chuyến tàu, máy bay đã đặt lịch, hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất”, ông Khoa kiến nghị.

PGS.TS. Trần Đắc Phu

PGS.TS. Trần Đắc Phu

Về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đưa ra một số giải pháp nâng cao công tác chống dịch nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần kiểm soát ca mắc để tránh hiện tượng quá tải hệ thống y tế, nhất là những nơi hệ thống y tế còn yếu kém.

Thứ hai, tỷ lệ tiêm chủng phải đạt được 70% cộng đồng bao gồm cả trẻ em, trong đó người già, người có nhiều bệnh nền là vô cùng quan trọng.

Thứ ba, có những nơi liên quan đến nông thôn chưa cần phải tiêm vaccine thì có thể chưa cần ưu tiên, nhưng cần kiểm soát hệ thống y tế sát sao.

Đáng chú ý, vai trò của cơ sở y tế trong doanh nghiệp cũng cần được chú ý, đây chính là bộ phận tham mưu cho doanh nghiệp, nhà máy về công tác xét nghiệm, phong toả, cách ly,... Việc xét nghiệm có hai ý nghĩa chính, vừa để phát hiện, bóc tách F0, nhưng vừa thông qua đó để đánh giá nguy cơ dịch bệnh đang ở mức độ nào.

Nhiều doanh nghiệp, đại diện các Hiệp hội và Lãnh đạo các đơn vị, tổ chức kinh doanh cũng đã nêu các kiến nghị, đề xuất xoay quanh các mong đợi về giảm thuế, phí, tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp... bao gồm các hỗ trợ cụ thể dành cho không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay doanh nghiệp theo khối kinh doanh xuất khẩu, thiết yếu, logistic, ... mà còn cả cho doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế.

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết đơn vị chỉ đạo và tổ chức ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp, đồng thời sẽ tổng hợp nội đưa vào trong báo cáo định kỳ hàng tháng gửi Quốc Hội về những vấn đề tổng hợp ngày hôm nay, theo đúng nhiệm vụ mà Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam được giao. Về vấn đề công tác chống dịch, mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp vẫn phụ thuộc quan trọng vào chí của các địa phương vì sự phát triển chung, để đồng lòng phục hồi nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: “Còn nhiều hạn chế trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”

    16:57, 27/10/2021

  • GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Cơ chế đặc biệt cho ngân hàng khi hỗ trợ

    16:05, 27/10/2021

  • GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

    16:02, 27/10/2021

  • GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Đảm bảo đồng bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

    15:47, 27/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Không để nền kinh tế "lỡ nhịp"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO