Giá xăng trên 30.000 đồng/lít không hề dễ chịu so với mặt bằng thu nhập của người Việt Nam, thực sự đặt đời sống dân sinh vào một thử thách mới.
>>Đại biểu Nguyễn Thị Yến: Cần công khai, minh bạch quản lý, điều tiết giá xăng dầu
Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15h ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng một lít, ở mức 31.570 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 600 đồng, lên mức 30.230 đồng một lít.
Đúng là, chuyện xăng dầu “nhảy” giá liên tục không chỉ làm nóng dự luận vì những ảnh hưởng tiêu cực của trước mắt của nó, mà nó còn làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Nhiều Đại biểu Quốc hội đã thẳng thẳng thắn phát biểu rằng “phải minh bạch và kìm hãm giá xăng dầu”, đó cũng là nguyện vọng của đông đảo cử tri, nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh khi phát biểu trên nghị trường: “Cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri, nhân dân được biết và chia sẻ”. Còn Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng “kiểm soát giá cả bây giờ là cấp bách”.
Thực tế, việc giá xăng, dầu tăng thời gian qua đã có tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Ở khía cạnh tích cực, việc này sẽ giúp tăng khoản thu ngân sách từ dầu thô. Các khoản thu thuế từ xăng, dầu (thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng sẽ tăng.
Năm 2021, thu ngân sách từ dầu thô khoảng 35.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,6% tổng thu ngân sách và vượt dự toán tới 65% nhờ giá dầu tăng mạnh. Bình quân giá dầu thanh toán năm ngoái đạt gần 68 USD một thùng, cao hơn khoảng 23 USD so với giá dự toán.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh tiêu cực, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí vận chuyển tăng và các loại hàng hóa được dịp “té nước theo mưa” để tăng giá. Nếu không có giải pháp mạnh để khống chế giá xăng tăng, thì phản ứng dây chuyền sẽ tạo khốn đốn cho sự phục hồi của cộng đồng sau đại dịch.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, tính toán, giá xăng, dầu tăng khoảng 10% sẽ làm GDP giảm 0,5%, còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng, dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
>>Đà Nẵng: Doanh nghiệp lao đao vì giá xăng, dầu
>>Xăng dầu - tác động chi phí đẩy và dư địa giảm giá
>>Cần thiết giảm sâu hơn nữa thuế nhập khẩu xăng dầu
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Cấn Văn Lực cũng lo ngại chuyện tăng chi phí nhập khẩu xăng, dầu, kéo theo tăng nhập siêu mặt hàng này. “Giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới cứ tăng như thế này sẽ khiến thâm hụt thương mại về xuất nhập khẩu xăng dầu gia tăng”, ông Lực nói.
Với các lĩnh vực, ngành sử dụng nhiều xăng, dầu như vận tải, hàng không, đánh bắt thuỷ sản… giá xăng dầu tăng sẽ tác động rất mạnh. Riêng lĩnh vực vận tải, chi phí xăng dầu là 35-40%.
Nên, khách quan mà nói, giá xăng trên 30.000 đồng/lít không hề dễ chịu so với mặt bằng thu nhập của người Việt Nam, thực sự đặt đời sống dân sinh vào một thử thách mới. Có nhiều nguyên nhân khiến giá xăng trên thế giới tăng liên tục, trong đó có sự tác động không nhỏ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa thể vãn hồi. Sau hai năm căng thẳng ứng phó COVID-19, thì nỗ lực thích ứng bình thường mới của Việt Nam bị vấp phải áp lực mệt mỏi từ giá xăng.
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) từng dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức 3,9%. Con số lạc quan kia, e chừng không thể đảm bảo, khi giá xăng vượt ngưỡng chịu đựng của người tiêu dùng.
Tỷ lệ nguyên vật liệu nhập khẩu để phục vụ nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 37%, cho nên giá xăng tăng sẽ đẩy cao giá nguyên vật liệu nhập khẩu lẫn nguyên vật liệu trong nước, khiến hoạt động sản xuất cũng ảnh hưởng gay gắt.
Để giá xăng không tiếp tục tăng kỷ lục, có thể miễn giảm vài loại thuế mà mặt hàng thiết yếu này đang gánh chịu. Thứ nhất là thuế bảo vệ môi trường, thứ hai là thuế tiêu thụ đặc biệt, thứ ba là thuế giá trị gia tăng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ mới đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, nghĩa là vẫn có dư địa 50% còn lại linh hoạt vận dụng.
Đồng thời, có thể miễn 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, vì trong điều kiện khó khăn thì không thể xem xăng dầu như các sản phẩm ô tô, tivi, tủ lạnh, máy giặt... Tương tự, có thể miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng trong một thời gian nhất định, như một gói hỗ trợ an sinh, để giá xăng không cản trợ nhịp điệu vận hành xã hội.
Tại nghị trường, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân thẳng thắn đề nghị: “Chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng Chính phủ cần có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt nên không có lý do gì mặt hàng này liên tục tăng khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu”.
“Nếu không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ dẫn tới hiệu ứng domino tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân, trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh đã lấy đi hết tiền tiết kiệm của họ và hiện người dân rất khó khăn,” ông Ngân nhấn mạnh.
Sức dân có hạn, nhất là ở thời điểm nhạy cảm tất cả đang cố gắng hồi phục sau đại dịch COVID-19. Vì vậy, đã đến lúc phải phát huy các công cụ điều tiết để kìm hãm giá xăng và ổn định thị trường, mà Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng.
Có thể bạn quan tâm
10:40, 01/06/2022
04:00, 26/05/2022
05:00, 22/05/2022
08:00, 28/04/2022
01:00, 26/04/2022
04:00, 16/04/2022
16:00, 14/04/2022