Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa có văn bản khẩn gửi UBND tỉnh Kon Tum liên quan đến sự cố công trình thủy điện Đắk Mi 1.
Thực hiện Công điện số 142/CĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục sự cố công trình thủy điện Đắk Mi 1, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tổ chức Đoàn công tác để giám định nguyên nhân sự cố và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn xây dựng tại công trình thủy điện Đắk Mi 1 kể từ ngày 1/1/2025.
Theo nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Công điện 142, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và UBND tỉnh Kon Tum tổ chức giám định nguyên nhân, chỉ đạo khắc phục ngay các sự cố, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình xây dựng và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn trong hoạt động xây dựng công trình (nếu có). Qua đó, kịp thời khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự.
Đoàn công tác do Bộ Xây dựng tổ chức gồm 9 thành viên do ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng làm trưởng đoàn. Đoàn công tác có sự tham gia của các chuyên gia về giám định, quản lý an toàn xây dựng, thủy công, kết cấu thép và đại diện Bộ Công Thương, UBND tỉnh Kon Tum.
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức bảo vệ hiện trường, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho đến khi hoàn thành công tác giải quyết sự cố công trình. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu có liên quan và cử cá nhân có trách nhiệm tham gia phối hợp cùng Đoàn công tác.
Trước đó, vào khoảng 3h, ngày 31/12/2024, tại công trường thủy điện Đăk Mi 1, đã xảy ra sự cố giàn giáo khi đổ bê tông đập, khiến 3 người tử vong và 2 người mất tích.
Ngay khi sự cố xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 142/CĐ-TTg ngày 31/12/2024 gửi Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia; Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum về việc khắc phục sự cố công trình thủy điện Đắk Mi 1.
Để kịp thời khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia và các cơ quan liên quan khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện cần thiết, tập trung tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, cứu chữa người bị thương với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất; tổ chức thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ gia đình các nạn nhân theo đúng quy định.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và UBND tỉnh Kon Tum tổ chức giám định nguyên nhân, chỉ đạo khắc phục ngay các sự cố, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình xây dựng và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn trong hoạt động xây dựng công trình (nếu có).
Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy điện, tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý ngay các vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn lao động, tuyệt đối không để xảy ra các vụ tai nạn tương tự.