Đánh giá vì sao các Startup Việt thường gặp khó khi khởi nghiệp, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech cho rằng, một trong những vấn đề mà các nhóm khởi nghiệp gặp phải đó là họ thường “ôm đồm” quá nhiều các vấn đề, ngoài việc chính là chăm chút cho sản phẩm của mình thì họ còn “ôm” luôn cả việc Marketing, tài chính hay nhân sự…
Trong khi những nhà đầu tư còn được ví như những con “cá mập” lại chỉ quan tâm đến sản phẩm của nhóm khởi nghiệp có tính thực tiễn và giá trị hay không. Còn lại về vốn, quản trị tài chính, nhân lực, hệ thống quản lý… nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư cho nhóm khởi nghiệp.
“Do đó, để thành công thì điều quan trọng hơn cả là những nhóm khởi nghiệp nên tập trung làm thật tốt sản phẩm của mình. Khi đã chứng minh được sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì lập tức các nhà đầu tư sẽ hỗ trợ cho nhóm khởi nghiệp”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Nhìn nhận về “kho” ý tưởng tại Việt Nam hiện nay, ông Chu Tuấn Anh cho biết, qua theo dõi tôi nhận thấy một số dự án có những ý tưởng rất xuất sắc, họ đã tìm được đúng nhu cầu thị trường mà hiện nay không có sản phẩm nào đáp ứng được.
Ví dụ như dự án Big lego, sản phẩm này đưa tới cho trẻ em Việt Nam một món đồ chơi thực tế đầy thú vị, có sự tương tác mạnh mẽ giữa đồ chơi và thực tiễn cuộc sống. Góp phần kéo các em ra khỏi cơn bão thế giới ảo của smartphone, máy tính bảng. Thay đổi hoàn khái niệm về đồ chơi trẻ em.
Tuy nhiên, “kho” ý tưởng vẫn còn làm theo những mô hình đã phổ biến nên khả năng thành công không cao. Ông Tuấn Anh cũng thừa nhận những ý tưởng độc đáo chưa có nhiều và ông hy vọng thời gian tới những nhóm khởi nghiệp cần định hướng khai thác những đặc điểm độc đáo trên sản phẩm của mình. Chỉ khi đó mới có cơ hội thành công.
Ở đây sự khác biệt về sản phẩm là yếu tố rất quan trọng. Bao giờ các nhà đầu tư sẽ hỏi sản phẩm này có điểm gì khác so với các đối thủ, nếu không trả lời được thì sẽ không có lý do gì để khách hàng sử dụng sản phẩm đó.
Đơn cử, khi sản xuất và đưa ra thị trường mẫu điện thoại di động mới thường nhà sản xuất hay đưa ra một loạt các tính năng hay, nhưng trên thực tế cũng có rất nhiều mẫu điện thoại khác cũng có nhiều tính năng hay nhưng giá lại rẻ hơn. Khi đó sẽ không có lý do gì khách hàng lại không mua cho mình một chiếc điện thoại vừa có nhiều tính năng nhưng giá lại rẻ.
“Người ta chuộng iPhone vì đây là sản phẩm được cho là đẹp nhất trên thị trường hiện nay, với các tính năng như camera sắc nét và duy nhất có phần mềm nhận diện khuôn mặt. Khách hàng sẵn sàng móc hầu bao vì những tính năng khác biệt như vậy”, ông Tuấn Anh nói.
Đánh giá về nhu cầu của nhà đầu tư với các nhóm khởi nghiệp hiện nay, ông Tuấn Anh cho rằng, nói đến đầu tư thì đầu tiên đó là vấn đề tiền và rất nhiều doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính để sẵn sàng đầu tư vào những ý tưởng mới. Tuy nhiên, họ còn “rụt rè” vì chưa nhìn thấy những sản phẩm thực sự đáp ứng nhu cầu lớn trên thị trường.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh mong muốn các nhà đầu tư Việt Nam cũng phải thật sự chuyên nghiệp ở khía cạnh đầu tư, vì phần lớn việc “thương lượng” giữa nhóm khởi nghiệp và các nhà đầu tư thường diễn ra trong “trạng thái” thiếu sự đồng cảm và hiểu nhau, điều này dẫn đến “khó gặp” nhau.
“Tôi nghĩ rằng tiền không phải là vấn đề lớn trong lĩnh vực khởi nghiệp”, ông Chu Tuấn Anh khẳng định.